Tuy nhiên, một số nước châu Âu tỏ ra thận trọng trước ý tưởng này của Mỹ, cho rằng trước hết cần cân nhắc tính hợp pháp của biện pháp này.
Theo các nguồn thạo tin, vấn đề trên đã được các quan chức tài chính cấp cao G7 thảo luận trong tháng này, trong đó đề cập cách thức xây dựng một chính sách như vậy và đánh giá các rủi ro liên quan. Mỹ, được sự hậu thuẫn của Anh, Nhật Bản và Canada, đã đề xuất chuẩn bị các phương án tịch thu tài sản của Nga để lãnh đạo các nước G7 bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh khả năng diễn ra vào ngày 24/2/2024. Ba nhóm công tác do Washington đề xuất sẽ xem xét các vấn đề pháp lý xung quanh việc tịch thu; cách thức áp dụng phương án đó và giảm thiểu rủi ro; và các phương thức hỗ trợ tốt nhất cho Ukraine.
Tuy nhiên, Đức, Pháp, Italy và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng cần phải đánh giá cẩn thận tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản của Nga trước khi đưa ra quyết định. Châu Âu, nơi nắm giữ phần lớn tài sản bị phong tỏa của Nga, cảnh giác vì lo ngại những tác động có thể xảy ra đối với sự ổn định tài chính cũng như biện pháp đáp trả từ Nga.
EU, Anh và Pháp nhấn mạnh rằng sẽ không dễ dàng tiếp cận số tiền nhận được thông qua việc tịch thu và số tiền đó cũng sẽ không đủ để trang trải cho nhu cầu tái thiết của Ukraine. Ngoài ra, các nước lưu ý rằng việc tịch thu tài sản của Nga không nên gây phương hại việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Kiev năm 2024. Một số bộ trưởng lo ngại rằng cuộc tranh luận về việc tịch thu sẽ ngụ ý rằng có một giải pháp thay thế cho các gói tài trợ chính thống dành cho Ukraine, vốn đã bị đình trệ do sự phản đối tại Quốc hội Mỹ và do Hungary từ chối ủng hộ một thỏa thuận của EU.
Trước đó, ngày 22/12, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga không chấp nhận việc tịch thu bất hợp pháp tài sản của Nga và điều đó vô cùng nguy hiểm đối với hệ thống tài chính thế giới. Ông Peskov nhấn mạnh sẽ có hậu quả pháp lý đối với những ai khởi xướng và thực hiện việc tịch thu bất hợp pháp tài sản của Nga. Moskva cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương tự.
Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa ở các nước thuộc G7, EU và Australia vào năm ngoái. Khoảng 210 tỷ euro (230 tỷ USD) dự trữ của Nga được giữ ở EU, bao gồm 191 tỷ euro ở Bỉ và 19 tỷ euro ở Pháp. Thụy Sĩ nắm giữ khoảng 7,8 tỷ euro, tiếp theo là Mỹ giữ 5 tỷ USD.