Xu hướng nguy hiểm
Theo Business Insider ngày 15/8, chuyển tới những nơi đó sinh sống thực ra lại có thể tốn kém hơn về lâu dài.
Những khu vực có chi phí nhà ở rẻ hơn nói trên đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn nhiều, như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán.
Người Mỹ đang đổ về Florida - nơi dễ xảy ra lũ lụt, dọn đến Houston không lâu sau khi cơn bão Harvey tàn phá thành phố này vào năm 2017, hay chuyển đến các vùng phía Tây và Tây Nam vốn thường trải qua các đợt hạn hán và cháy rừng tồi tệ nhất cả nước.
Thay vì rời những khu vực có nguy cơ thiên tai cao và hay gặp các vấn đề khí hậu, ngày càng có nhiều người Mỹ lại chuyển đến sống ở đó. Theo một phân tích của công ty Redfin năm 2021, các khu vực dễ gặp rủi ro ở Mỹ đều đang gia tăng dân số, trong khi những khu vực có ít rủi ro lại giảm dân cư.
Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng xu hướng này. Gần đây, số người chuyển từ các thành phố đắt đỏ đến những nơi nhỏ hơn, chi phí thấp hơn, cách xa các thành phố lớn và gần các khu vực tự nhiên đã tăng đột biến, do một phần là ngày càng nhiều người làm việc từ xa.
Những địa điểm này có xu hướng gặp nhiều rủi ro về thiên tai hơn, như thành phố Bend (bang Oregon) là nơi dễ xảy ra cháy rừng. Số lượng người nộp đơn vay tiền mua nhà ở những khu vực có rủi ro cao đã tăng từ 90.462 vào tháng 2/2020 lên 187.669 vào tháng 2/2022.
Về lâu dài, xu hướng này sẽ khiến nhiều người Mỹ có nguy cơ mất nhà cửa vì cháy rừng và lũ lụt, hoặc bị thương hay thiệt mạng do nắng nóng gay gắt, thiếu nước.
Trong khi đó, người giàu vốn đã có khả năng tự bảo vệ mình tốt hơn trước thiên tai và các tác động khác của khí hậu, ví dụ như chuyển đến nơi an toàn hơn, chi tiền thuê lính cứu hỏa tư nhân hay trang bị thêm những thứ cần thiết cho nhà cửa.
Khi sống ở các thành phố có rủi ro thấp lại quá tốn kém, gánh nặng của biến đổi khí hậu sẽ càng đè nặng lên các cộng đồng nghèo.
Biện pháp lâu dài
Các chuyên gia cho rằng có nhiều cách mà chính quyền cấp địa phương, cấp bang và liên bang ở Mỹ có thể giúp đảo ngược xu hướng nguy hiểm này.
Một báo cáo gần đây của Viện Brookings đã đề xuất một số biện pháp mà các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích người Mỹ tìm kiếm nơi ở an toàn trước thiên tai.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu cho rằng Quốc hội và Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang cần làm việc với những công ty cho vay thế chấp và công ty bảo hiểm tài sản để tính rủi ro khí hậu vào phí, tính phí cho chủ nhà nhiều hơn dựa trên mức độ rủi ro mà họ đang gánh chịu.
Thông thường, người mua nhà không biết ngôi nhà mình định mua chịu những rủi ro khí hậu nào, vì vậy chính quyền cấp bang và địa phương cần xây dựng các quy tắc, quy định thông tin nào cần được tiết lộ cho người mua nhà và sau đó áp thuế cao hơn đối với các ngôi nhà ở vùng nhiều rủi ro hơn.
Chuyên gia Jenny Schuetz và Julia Gill tại Brookings viết: “Phí cao hơn ở những khu vực rủi ro là nhằm hai mục đích: khuyến khích các hộ gia đình chọn những địa điểm an toàn hơn và mang lại cho chính quyền địa phương nhiều nguồn thu hơn để nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu”.
Các chuyên gia cho rằng cần cải cách quá trình phân vùng và các quy định sử dụng đất khác để khuyến khích phát triển nhiều hơn ở những nơi an toàn và giảm phát triển ở các khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng bởi khí hậu.
Chủ nhà và người cho thuê ở những nơi nhiều rủi ro cũng cần làm nhiều hơn để đảm bảo nhà cửa chống cháy và chống gió tốt hơn cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách địa phương cần suy nghĩ cẩn thận hơn về nơi định đầu tư cơ sở hạ tầng (như đường xá, trường học, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải) ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi khí hậu, từ đó ngăn cản hoặc khuyến khích người dân đến sống ở một số khu vực nào đó.