Chuyên gia nhận định NATO ưu tiên viện trợ hơn kết nạp Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Mỹ từ ngày 9 - 11/7 tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia được tờ Izvestia của Nga phỏng vấn cho rằng, việc đưa Kiev trở thành thành viên của liên minh quân sự này không phục vụ cho lợi ích của khối.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 75 ở Washington D.C, Mỹ ngày 9/7/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Theo ông Dmitry Novikov tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva, chỉ ra rằng mặc dù việc Ukraine gia nhập NATO có vẻ không thực tế vào thời điểm hiện tại, nhưng việc cải cách hệ thống hỗ trợ tài chính của các nước đồng minh phương Tây cho Kiev là hoàn toàn khả thi.

"Ukraine có thể được cung cấp một số hình thức chuyển tiếp để tham gia vào hệ thống liên minh phương Tây. Điều này chủ yếu liên quan đến một loạt các thỏa thuận quốc phòng song phương. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Do các hoạt động quân sự đang diễn ra, hiện tại không ai sẽ ký bất kỳ văn bản ràng buộc pháp lý nào với Kiev. Những gì Ukraine thực sự có thể được cung cấp là thay đổi trong hệ thống hỗ trợ tài chính, hiện bao gồm các gói viện trợ vốn thỉnh thoảng có thể được cung cấp hoặc không", chuyên gia Novikov lưu ý.

Nhà phân tích trên tiếp tục nhận định rằng, việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của Liên minh Bắc Đại Tây Dương này dường như không có khả năng xảy ra vào thời điểm hiện nay. "Những rủi ro từ việc gia nhập NATO của Ukraine là quá cao, vì vậy họ không muốn làm cường quốc hạt nhân Nga tức giận. Mỹ cho rằng thời điểm này vẫn chưa thích hợp. Bên cạnh đó, họ khá hài lòng với vị thế hiện tại của Ukraine là một đồng minh không thuộc NATO mà không có nghĩa vụ pháp lý cụ thể nào, với điều kiện là nước này hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh châu Âu, cũng như đóng vai trò là tiền đồn để đối đầu với Nga", chuyên gia Novikov nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Ivan Skorikov tại Viện Nghiên cứu CiS có trụ sở tại Đức, nêu rõ: Không ai sẽ mời Ukraine gia nhập NATO lúc này. Theo quan điểm của ông, điều mà Kiev có thể mong đợi từ hội nghị thượng đỉnh là lời hứa tăng viện trợ quân sự, cung cấp máy bay phản lực F-16, hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa. 

Trong khi đó, ông Andrey Kortunov, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, lưu ý ưu tiên chính của hội nghị thượng đỉnh NATO là duy trì mức viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine trước một sự thay đổi tiềm tàng trong chính quyền Mỹ ở Nhà Trắng liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống. Các thành viên châu Âu của NATO đang xây dựng "Kế hoạch B" trong trường hợp Mỹ bắt đầu giảm các hoạt động của mình tại châu Âu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Các đồng minh NATO tăng viện trợ cho Ukraine
Các đồng minh NATO tăng viện trợ cho Ukraine

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận lô máy bay tiêm kích F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan đang trên đường tới Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN