Điều tra mới nhất về giá sinh hoạt toàn cầu do Bộ phận phân tích thông tin (EIU), thuộc tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), đã xếp 2 thành phố Tôkyô và Osaka của Nhật Bản cùng Ôxlô của Na Uy vào Top 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Bên cạnh đó, 4 thành phố lớn nhất của Ôxtrâylia là Sydney, Melbourne, Perth và Brisbane cũng được đưa vào danh sách này do nguyên nhân chủ yếu là đồng đôla Ôxtrâylia (AUD) tăng giá mạnh và đã vượt giá trị của đồng USD.
Trong bản điều tra hai năm một lần về mức sống toàn cầu, EIU cho biết Sydney và Melbourne hiện là thành phố đắt đỏ thứ 6 và thứ 7 trên hành tinh (so với các thứ hạng lần lượt là 32 và cách đây 10 năm). Trong khi đó, Perth và Brisbane - hai trung tâm gần gũi nhất với các mỏ khoáng sản của nước này - cũng "thăng hạng", từ vị trí thứ 71 và 91 lên thứ 13 và 14.
Theo ông Jon Copestake, tác giả của bản điều tra trên, đồng AUD cao giá hơn nhiều đã khiến giá sinh hoạt tăng cao ở Ôxtrâylia. Chỉ trong vòng một thập niên trở lại đây, đồng AUD đã tăng từ khoảng 50 xu Mỹ đổi 1 AUD lên 1 AUD có giá trị tương đương cao hơn 1 USD hồi đầu năm nay. Ông Copestake đồng thời cảnh báo giá sinh hoạt tăng ở Ôxtrâylia đang là yếu tố bất lợi đối với ngành du lịch ở "Xứ sở chuột túi", cản trở lĩnh vực này hút du khách quốc tế.
Nhu cầu cao đến mức không thể thỏa mãn nổi của châu Á đối với nguyên liệu thô đã làm giá thép quay trở lại mức cao nhất như thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hiện nay, chi phí sinh hoạt tại Luân Đôn, Viên, Rôma, Béclin, Hồng Công và Bắc Kinh còn rẻ hơn so với nhiều thành phố ở Ôxtrâylia.
Trong khi đó, EIU đã đánh giá Mumbai của Ấn Độ, Tunít của Tuynidi và Karachi của Pakixtan là những thành phố có giá sinh hoạt rẻ nhất trong số 140 thành phố trên thế giới được điều tra.
TTXVN/Tin tức