"Viện dưỡng lão" thanh niên
Nhiều người trẻ kiệt sức với công việc, đặc biệt những người trong độ tuổi 30, đã lựa chọn "viện dưỡng lão" dành cho thanh viên bởi họ ủng hộ các triết lý sống như “Lửa” (độc lập về tài chính, nghỉ hưu sớm) hay “tang ping” (nằm thẳng), cụm từ nổi tiếng của Trung Quốc đề cập đến cách sống tối giản qua ngày, không cật lực làm việc, không chạy đua.
"Viện dưỡng lão" dành cho thanh niên đã xuất hiện ở nhiều nơi, từ Vân Nam đến Sơn Đông, ở phía Tây Nam và Đông Trung Quốc. Các cơ sở này tập trung vào sức khỏe tinh thần của khách hàng và thường có các quán bar, quán cà phê và phòng karaoke, mang đến không gian để mọi người giao lưu, giải tỏa và thư giãn.
Hầu hết cư dân tại những "viện dưỡng lão" này là lao động trẻ ở độ tuổi 20 và 30. Thực chất, họ không có kế hoạch sống hàng chục năm trong các cơ sở này. Đối với một số người, khái niệm “nghỉ hưu sớm” chỉ là sự rút lui tạm thời. Họ coi thời gian ở "viện dưỡng lão" là những kỳ nghỉ ngắt quãng theo năm hoặc theo tháng trên con đường sự nghiệp của họ.
“Một số người có thể thắc mắc tại sao những người trẻ này lại ‘nghỉ hưu’ sớm như vậy, nhưng nhiều người ở độ tuổi ba mươi đang cảm thấy lạc lõng. Tôi đã từng là một trong số họ”, Lu Leilei (32 tuổi), người mở một viện dưỡng lão ở tỉnh Vân Nam vào đầu năm nay, chia sẻ. Các cư dân tại cơ sở của Lu Leilei thường khởi động buổi sáng bằng cà phê, sau đó là tập khí công “Bát đoạn cẩm”, tập thể dục trong sân và thiền định trên núi.
Buổi chiều, họ dành thời gian làm ruộng, câu cá trên sông và nấu bữa tối trong bếp chung. Đến tối, các cư dân "viện dưỡng lão" này quây quần quanh lửa trại để thưởng thức đồ uống, trò chuyện, đánh mạt chược và hát karaoke.
Không giống như các dịch vụ truyền thống dành cho người cao tuổi, viện dưỡng lão dành cho thanh niên giống như homestay cộng đồng. Cơ sở của Lu có 12 phòng ngủ và phí thuê hàng tháng là 1.500 nhân dân tệ (5,3 triệu đồng).
Tại một "viện dưỡng lão" thanh niên khác ở tỉnh Hà Bắc, ông chủ Li Xiaolan không thu phí cư dân nhưng yêu cầu họ đóng góp vào việc duy trì và phát triển công trình. Ngược lại, các "viện dưỡng lão" truyền thống dành cho người cao tuổi thường yêu cầu khoản chi trả hàng tháng tối thiểu trung bình là 5.000 nhân dân tệ (17,5 triệu đồng). Ngoài ra, họ không nhận người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh.
"Viện dưỡng lão" dành cho thanh niên trở thành đề tài gây chú ý trên mạng xã hội. Có những bình luận như “Đây là cuộc sống lý tưởng của giới trẻ”, “Tôi cũng muốn đi! Địa chỉ ở đâu vậy?”.
Thanh niên ở trọ đem lại niềm vui cho cư dân cao tuổi ở "viện dưỡng lão"
Sau kỳ thi cuối kỳ vào ngày 11/1, Wang Yatao ngay lập tức chuyển đến "viện dưỡng lão" Xiyangfu ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, và trở thành khách trọ đặc biệt tại nơi đây. Chàng sinh viên năm thứ hai tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Cát Lâm quyết định dành hai tuần tại "viện dưỡng lão" trước khi trở về quê hương ở thị trấn Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây.
Wang Yatao kể: “Tôi bị thu hút bởi một đoạn video ngắn đăng trên mạng xã hội Douyin vào đầu tháng 1. Trong video, chủ viện dưỡng lão đang tuyển thanh niên ở trọ”. Những người dưới 35 tuổi và có trình độ đại học có thể có một phòng đơn, ba bữa một ngày và trợ cấp hàng tháng là 300 nhân dân tệ (1 triệu đồng) kèm yêu cầu là 20 giờ phục vụ tình nguyện.
Các ứng viên phải có công việc ổn định hoặc là sinh viên đại học, không uống rượu hoặc hút thuốc. Chủ cơ sở, ông Zhou Weihong chia sẻ về mục đích chính của chương trình: “Nhiều bạn trẻ xa quê để đi học hoặc làm việc có thể bỏ lỡ cơ hội sống cùng gia đình, đặc biệt là ông bà. Ở trọ tại 'viện dưỡng lão' của tôi sẽ giúp họ hiểu và giao tiếp với người cao tuổi tốt hơn. Và những người trẻ này có thể mang đến những điều mới mẻ, sức sống mới cho người cao tuổi, họ hạnh phúc hơn rất nhiều khi có cháu đến thăm”.
Ông Zhou Weihong kể rằng kể từ khi đăng tuyền người ở trọ vào đầu tháng 1, đã có hàng trăm đơn đăng ký. Sau khi sàng lọc cẩn thận, ông chọn ra sáu người, tất cả đều là sinh viên đại học ở những thành phố như Cát Lâm, Trường Xuân và Bạch Thành.
Cơ sở của ông Zhou Weihong mở cửa từ năm 2004 và hiện chăm sóc khoảng 100 người cao tuổi, từ 50 đến 100 tuổi. Ông bộc bạch: "Tôi chỉ hy vọng các tình nguyện viên sẽ mang lại sự đồng hành chất lượng. Tôi mong rằng những người trẻ tuổi có thể giảm bớt cô đơn, hiểu được những khó khăn và nhận thức sâu sắc hơn khi tôn trọng và yêu thương người cao tuổi”.
Wang Yatao nói rằng anh và các tình nguyện viên khác đã vẽ tranh và tập thể dục cùng các ông bà ở viện dưỡng lão. Sinh viên 22 tuổi này nói: “Tôi dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày với họ. Đó thực sự là một kỳ nghỉ. Nó mang lại cho tôi một cảm giác ấm áp. Họ đối xử với chúng tôi như cháu của họ, chia sẻ trái cây và đồ ăn nhẹ với chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục đến thăm nơi đây sau khi trở lại trường đại học".
Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, tính đến cuối năm 2022, hơn 280 triệu người, chiếm gần 20% dân số nước này, trên 60 tuổi.