Thế nhưng vượt qua những khó khăn của một cơ thể không lành lặn, cô gái mạnh mẽ này đã theo đuổi ước mơ trở thành vũ công múa cột, môn thể thao mà nhiều người khỏe mạnh còn cảm thấy khó khăn nếu không đủ đam mê và lòng kiên trì. Mọi nỗ lực của Cesarini cũng đã được đền đáp khi cô giành được Huy chương Vàng ở hạng mục dành cho người khuyết tật trong cuộc thi trực tuyến do Liên đoàn Múa cột thể thao quốc tế tổ chức năm 2021.
Đối với anh Neil Harbisson, tuổi, thế giới xung quanh qua mắt anh chỉ có một tông màu xám từ khi sinh ra ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, anh đã vượt qua khuyết tật bẩm sinh về thị giác và tự thiết kế ra thiết bị công nghệ được cấy trực tiếp vào hộp sọ, giúp anh có khả năng cảm nhận những màu sắc mà đôi mắt anh không phân biệt được.
Thiết bị công nghệ giúp nhận biết màu sắc cho những người bị mù màu của anh Harbisson có thể giúp nhiều người khuyết tật khác được trải nghiệm thế giới sinh động hơn. Thậm chí, anh Harbisson còn đang thử nghiệm một thiết bị mới được thiết kế để đeo ở cổ, giúp cảm nhận dòng chảy thời gian.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 1 tỷ người bị khiếm khuyết về thể chất và tinh thần trên toàn cầu. Ước tính có đến 80% số người khuyết tật là ở các nước thu nhập thấp và trung bình, 50% số người tàn tật không đủ khả năng trang trải chi phí chăm sóc y tế. Khoảng 70 triệu người khuyết tật cần đến xe lăn nhưng chỉ có khoảng từ 5-15% trong số đó được sử dụng loại xe này. Trên toàn cầu có 360 triệu người bị khiếm thính nhẹ hoặc điếc hoàn toàn, nhưng các sản phẩm trợ thính chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu trên toàn thế giới và 3% nhu cầu ở các quốc gia đang phát triển.
WHO cảnh báo số người khuyết tật trên toàn cầu có thể còn tăng lên mà một phần nguyên nhân được cho là do già hóa dân số và gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện rất ít quốc gia có cơ chế thích hợp để đáp ứng đầy đủ các ưu tiên và yêu cầu về sức khỏe của người khuyết tật. Vẫn còn tình trạng người khuyết tật không được tiếp cận xã hội trên cơ sở bình đẳng như những người khác trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, việc làm, cũng như tham gia xã hội và chính trị.
Chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay 3/12 là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển toàn diện: Vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới bình đẳng và dễ tiếp cận”. Với chủ đề trên, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi tăng cường và đổi mới các biện pháp hỗ trợ người khuyết tật, thúc đẩy trao quyền và đem lại cơ hội thực sự cho nhóm đối tượng này.
WHO cho rằng mặc dù có khiếm khuyết trên cơ thể hay tinh thần nhưng không phải tất cả người khuyết tật đều thiệt thòi như nhau mà phần lớn phụ thuộc vào điều kiện sống và việc họ có được tiếp cận bình đẳng với y tế, giáo dục và việc làm hay không. Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng như hiện nay - xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu - đòi hỏi sự thích ứng cao của con người, thì những người yếu thế, trong đó có người khuyết tật, có nguy cơ trở thành đối tượng phải chịu đựng đa tổn thương và bị bỏ lại phía sau. Do đó, giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng cùng hành động tìm ra những giải pháp mới nhằm giúp những người dễ bị tổn thương vượt qua rào cản của chính bản thân họ, tiến tới hòa nhập và bắt kịp dòng chảy xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) diễn ra hồi tháng 6 tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác bao trùm để bảo đảm tốt hơn quyền của người khuyết tật, đồng thời khuyến nghị các nước tận dụng công nghệ để giúp người khuyết tật gia tăng kết nối số, nâng cao quyền năng về kinh tế cho người khuyết tật, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của người khuyết tật trong các tiến trình hành động khí hậu, xây dựng xã hội tự cường. Những giải pháp như vậy sẽ chắp thêm đôi cánh, tạo thêm động lực để người khuyết tật vươn lên khẳng định khả năng của mình.
Ở cấp độ khu vực, tháng trước, Ủy ban Kinh tế-xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của LHQ
(UNESCAP) đã thông qua Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của người khuyết tật nhằm khẳng định cam kết toàn cầu về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật. Trong khi đó, ở cấp độ quốc gia, tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã công bố kế hoạch phát triển, lắp đặt các thiết bị đầu cuối và quầy hướng dẫn kỹ thuật số tự động dành cho người khuyết tật và người gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số.
Tại CH Séc, để hỗ trợ người khuyết tật giảm thiểu tác động của lạm phát do giá cả tăng cao, nhất là giá năng lượng tăng mạnh, chính phủ nước này quyết định tăng trợ cấp đi lại, xem xét điều chỉnh trợ cấp việc làm cho người khuyết tật.
Với khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, Việt Nam đã và đang tập trung hỗ trợ người khuyết tật bằng nhiều hình thức. Ngày Người khuyết tật Việt Nam được kỷ niệm vào 18/4 hằng năm. Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật năm 2011 và phê chuẩn CRPD năm 2015, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình quốc gia về người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.
Thúc đẩy quyền và vai trò của người khuyết tật là một trong những nội dung cơ bản của việc bảo đảm quyền con người, cũng như trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia thành viên LHQ đã nhất trí nhằm hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, giới chuyên gia cho rằng vấn đề người khuyết tật phải là trọng tâm trong các chính sách của mọi quốc gia cũng như tổ chức toàn cầu, lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Đây sẽ là đôi cách tiếp sức để người khuyết tật có thể chủ động vươn lên và đóng góp nhằm xây dựng một tương lai hòa nhập cho tất cả.