Hiện nay, cứ 409 người lao động thì có 1 người khuyết tật, với tỷ lệ hiện diện nhiều hơn trong các lĩnh vực dịch vụ (0,27%), ăn uống (0,26%) và phi thị trường (0,24%). Trong nghiên cứu này, cơ sở dữ liệu của hơn 30.000 công ty cho thấy lĩnh vực nhà hàng-khách sạn có lượng lao động khuyết tật tăng nhiều nhất (+33%), tiếp theo là hậu cần và vận tải (+21,3 %) và ngành công nghiệp chế tạo và luyện kim (+20,9%).
Mặt khác, sự sụt giảm đáng kể được ghi nhận trong nhóm ngành xây dựng (-50,6%) và nhóm công việc tạm thời và dịch vụ (-85,3%), vì các ngành này chỉ tuyển dụng 0,05% người khuyết tật. “Sự thiếu hiểu biết vẫn rất quan trọng liên quan đến nghề nghiệp của người khuyết tật. Tuy nhiên, người lao động trong trường hợp này có thể thực hiện nhiều hoạt động nghề nghiệp mà không cần chủ lao động đồng ý đưa ra những khoản đầu tư lớn”, Donatienne Knipping, chuyên gia nguồn nhân lực tại Acerta giải thích.
Vẫn còn nhiều định kiến
Hiện nay, người khuyết tật vẫn thường gặp phải những rào cản trong công việc. Đây là trường hợp của Blandine Even, 30 tuổi, người đã mất bốn năm tìm kiếm không có kết quả trước khi nhận được việc làm. Người phụ nữ trẻ mắc một căn bệnh hiếm gặp, phải sử dụng xe lăn từ năm 20 tuổi. Cô đã gia nhập Trung tâm khủng hoảng quốc gia vào tháng 4/2021, sau sáu tháng làm việc tại Cơ quan dịch vụ công cộng Wallonia (SPW).
“Khó khăn đầu tiên là tìm một nơi làm việc dễ tiếp cận. Công việc của tôi phải gần nhà ga dành cho những người bị suy giảm khả năng vận động và bản thân tòa nhà nơi tôi làm việc cũng phải có lối cho người đi xe lăn. Sau đó, phải tìm một nhà tuyển dụng cởi mở. Họ sẵn sàng nhận một người khuyết tật nhưng có kỹ năng như tôi (Even có bằng Thạc sĩ). Điểu này giúp điều chỉnh thời gian làm việc vì tôi không thể làm việc toàn thời gian trong văn phòng. Bởi vì mệt mỏi, vì việc di chuyển của tôi mất thời gian hơn, và tôi có những buổi khám sức khỏe hoặc những cuộc hẹn khám sức khỏe”, Even cho biết.
“Từ góc độ này, COVID-19 là một cơ hội: dịch bệnh đã tạo cơ hội làm việc từ xa. Tuy nhiên, tôi thường xuyên phải đối mặt với những công ty từ chối cho nhân viên làm việc từ xa hoặc giới hạn tôi ở một ngày một tuần”, Even nói thêm.
Ngoài ra, Blandine Even cũng phải đối mặt với những định kiến và nhận xét khó chịu. “Tôi rõ ràng đã bị phân biệt đối xử. Trong một số cuộc phỏng vấn, người ta chỉ hỏi tôi về tình trạng khuyết tật của mình. Tôi được hỏi làm cách nào để sơ tán khỏi tòa nhà trong trường hợp hỏa hoạn, hoặc để tự phục vụ cà phê. Cũng khá nhiều nhà tuyển dụng không muốn nhận tôi”, Blandine tâm sự.
Sau khi vượt qua tất cả các bài kiểm tra tại Selor (nền tảng trực tuyến nhận hồ sơ và ra các câu hỏi phỏng vấn ứng viên tìm việc), Blandine được vào làm tại doanh nghiệp hoạt động công ích. Cuộc phỏng vấn xin việc của cô diễn ra qua cầu truyền hình và không có bất kỳ câu hỏi nào về tình trạng khuyết tật của cô. Blandine Even cho biết công việc của cô tiến triển tốt. “Trung tâm khủng hoảng quốc gia là khu vực chúng tôi làm việc thường trực trong trường hợp khẩn cấp và là nơi chúng tôi phải có mặt ngoài giờ làm việc. Nhờ công việc này, tôi có thể chứng minh rằng một người khuyết tật không nên bị giới hạn trong công việc văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều”, Blandine chia sẻ.
Theo nghiên cứu Acerta, trên thực tế là không phải các nhà tuyển dụng lớn tin tưởng người khuyết tật mà chính là các công ty nhỏ. Đặc biệt, các công ty có quy mô từ 5 đến 9 công nhân tiếp nhận số lượng cao nhất hồ sơ của người khuyết tật.
Chuyên gia Donatienne Knipping kết luận: “Các công ty có quy mô nhỏ thường là công ty tư nhân và có thể hỗ trợ mang tính cá nhân hóa hơn cho những người mà họ cần”.