Dự báo chiến tranh Ukraine tiếp tục tác động mạnh tới EU, đẩy cao lạm phát

Dự báo kinh tế ngày 14/7 của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy cuộc chiến của Nga ở Ukraine ​​sẽ tiếp tục tàn phá quá trình phục hồi kinh tế của khối này trong tương lai gần, làm giảm tăng trưởng hàng năm và khiến lạm phát cao kỷ lục.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AP

Theo hãng tin AP, dựa trên các số liệu trong mùa hè của 19 quốc gia sử dụng đồng euro, lạm phát có thể đạt mức trung bình 7,6% trong năm nay, mức tăng đáng kể so với dự báo báo hồi tháng 5 là 6,1%. Tháng trước, giá tiêu dùng đã tăng 8,6% so với một năm trước đó.

Dự báo tăng trưởng kinh tế giảm 0,1 điểm xuống 2,6% trong năm, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 5,3% của năm ngoái. Tuy nhiên, trong năm tới, khi tác động của chiến tranh tại Ukraine sẽ ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ giảm xuống 1,4%, thấp hơn nhiều so với ước tính hồi tháng 5 là 2,3%.

Phó Chủ tịch EU Valdis Dombrovskis nói: “Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine tiếp tục phủ bóng đen lâu dài lên châu Âu và nền kinh tế của chúng ta”.

Chiến tranh Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực tăng cao, dẫn đến tỷ lệ lạm phát phi mã và đè nặng lên tăng trưởng kinh tế cũng như niềm tin của người tiêu dùng.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn, thậm chí dẫn đến suy thoái nếu Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, hoặc ngừng cung cấp hẳn khí đốt khi các nước châu Âu tranh giành nguồn dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông.

EU thừa nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể khiến cho nền kinh tế châu Âu mất cân bằng trong nhiều tháng tới và khiến khó có thể dự báo điều gì chắc chắn.

Ủy viên phụ trách kinh tế EU, ông Paolo Gentiloni cho biết: “Các rủi ro về cơ bản đều liên quan đến diễn biến của cuộc chiến Ukraine. Cắt giảm thêm nguồn cung cấp khí đốt cho EU sẽ khiến giá khí đốt cao hơn và gia tăng các nhân tố gây lạm phát”.

Triển vọng kinh tế đi xuống của châu Âu và đồng đô la Mỹ mạnh lên cho thấy một dấu hiệu khó khăn khác: đồng euro dao động gần ngang giá, thậm chí có thời điểm rẻ hơn đồng đô la Mỹ sau khi giảm xuống mức thấp nhất so với đồng tiền Mỹ trong 20 năm.

Tuy nhiên, ông Gentiloni cho biết đồng euro vẫn hoạt động mạnh mẽ so với các đồng tiền chính khác như bảng Anh và yen Nhật.

Ông nói: “Bạn có thể thấy rằng vấn đề không phải là đồng euro suy yếu, vốn đang mạnh so với đồng bảng Anh hoặc đồng. Nhưng có thể thấy rằng đồng USD tăng giá. Đồng euro đang thể hiện sức mạnh, nhưng đồng USD lại đang mạnh lên nhiều hơn”.

Khi mà hầu hết các rủi ro đã thành hiện thực, số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây đang gây ra tâm trạng lo lắng mới.

Ông Gentiloni nói: “Không thể loại trừ khả năng đại dịch bùng phát trở lại ở EU sẽ gây ra những gián đoạn mới cho nền kinh tế”.

Chú thích ảnh
Đồng euro đã giảm xuống ngang giá với đô la Mỹ lần đầu tiên sau gần 20 năm. Ảnh: AP

Nhìn chung, ông nói thêm rằng với diễn biến của chiến tranh Ukraine và nguồn cung cấp khí đốt bấp bênh, dự báo nói trên là không chắc chắn và tùy thuộc và các yếu tố rủi ro. Cũng có thể có diễn biến theo chiều ngược lại khi giá hàng hóa và năng lượng có thể giảm nhanh hơn hiện nay.

Sau dự báo ảm đạm cho năm nay, lạm phát của khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ tăng 4% vào năm 2023, vẫn là một mức tăng rất lớn so với dự báo hồi mùa xuân là 2,7%.

Tất cả điều này hoàn toàn trái ngược so với một năm trước, khi EU đang hồi phục sau đại dịch và sẵn sàng cho thời kỳ thịnh vượng trở lại.

Các quốc gia khu vực đồng euro cũng sẽ phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất vào tuần tới lần đầu tiên trong 11 năm để chống lạm phát.

Lạm phát xảy ra do cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU – khu vực trong nhiều năm phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than của Nga.

Ngay cả khi EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt và có kế hoạch loại bỏ dần than, dầu của Nga, thì khối này vẫn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước cho biết khối này cần lên kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị cho khả năng Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt. Nếu điều này thành hiện thực, sự việc có thể có tác động lớn đến nền kinh tế.

Ông Gentiloni nói rằng kịch bản nghiêm trọng này sẽ khiến nền kinh tế EU rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay và tiếp tục làm suy giảm hoạt động kinh tế trong năm tới. Trong bối cảnh các sự kiện gần đây, rủi ro này không chỉ là một kịch bản giả định.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga để ngỏ khả năng gia hạn chuyển khí đốt cho châu Âu qua Ukraine
Nga để ngỏ khả năng gia hạn chuyển khí đốt cho châu Âu qua Ukraine

Nga sẽ cân nhắc tiếp tục chuyển khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào năm 2024, nếu các nước châu Âu yêu cầu điều này và hệ thống trung chuyển của Ukraine vẫn hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN