Theo nguồn tin, dự án này được cho là nhằm mục đích làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Berlin trong vấn đề an ninh châu Âu, nhưng đã bị lu mờ bởi tranh cãi về việc Berlin giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông đưa tin Đức đã phải cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine do thiếu kinh phí. Báo cáo nội bộ từ Bộ Quốc phòng Đức cho hay yêu cầu của Kiev về phụ tùng thay thế cho pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Berlin cung cấp đã không được đáp ứng, khiến lực lượng Ukraine không thể sử dụng loại pháo này trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga.
Báo cáo nói rằng trường hợp của pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 là một trong khoảng 30 lĩnh vực “hỗ trợ ưu tiên” trị giá khoảng 3 tỷ euro mà Đức cam kết hỗ trợ Ukraine chưa được đáp ứng, cùng các lĩnh vực khác bao gồm hệ thống phòng không, pháo binh và thiết bị bay không người lái.
“Nguồn cung từ kho dự trữ của Bundeswehr (Bộ Quốc phòng Đức) không thể được đảm bảo như đã lên kế hoạch và cam kết”, báo cáo nêu rõ, đồng thời cảnh báo rằng hỗ trợ chung đang “gặp rủi ro”.
Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng sẽ không có yêu cầu viện trợ mới nào được chấp thuận ngoài các nguồn cung đã được phê duyệt. Mặc dù vậy, ông Scholz đã cam kết Đức sẽ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine tại châu Âu.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Berlin đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 10,2 tỷ euro viện trợ vũ khí. Đức đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí - bao gồm từ xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder đến hệ thống tên lửa tầm xa IRIS-T và Patriot, súng phòng không Gepard, hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS MARS, tên lửa Stinger, thiết bị bay không người lái, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh thời Liên Xô còn lại từ Đông Đức cũ.
Các đồng minh phương Tây luôn phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga do lo ngại xung đột leo thang. Chỉ đến gần đây, một số nước bắt đầu bật đèn xanh cho phép Kiev sử dụng những vũ khí nhất định để tập kích các mục tiêu quân sự ở biên giới Nga.
Bình luận về cuộc đột kích của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga, Bộ Ngoại giao Đức cho biết: “Ukraine có quyền tự vệ được quy định trong luật pháp quốc tế. Điều này không giới hạn ở lãnh thổ của họ”.
Về phần mình, Nga cho biết việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã cản trở tiến trình hòa bình và khiến các nước NATO trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mỹ và NATO đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột không chỉ bằng cách cung cấp vũ khí mà còn bằng cách đào tạo binh sĩ Ukraine.