Phát biểu này được ông Josep Borrell đưa ra ngày 26/5 tại Brussels trong buổi họp báo cùng Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa. Ông Borrell nêu rõ rằng một Chính quyền Palestine hoạt động hiệu quả cũng là lợi ích của Israel vì để đạt được hòa bình cần một Chính quyền Palestine mạnh. Tây Ban Nha cùng với Ireland và Na Uy sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine từ ngày 28/5. EU đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một lập trường chung từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu.
Tại Brussels, cả ông Mustafa và Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Albares, đều nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần phải yêu cầu một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, Thủ tướng Palestine nhấn mạnh đã đến lúc phải mạnh mẽ hơn, yêu cầu một lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh.
Hồi đầu năm nay, EU đã soạn thảo và đưa ra một kế hoạch 10 điểm cho một giải pháp toàn diện, đáng tin cậy về cuộc xung đột Hamas- Israel. Kế hoạch của EU vạch ra một loạt bước đi mà cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, đồng thời đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực.
Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình của EU là hội nghị hòa bình trù bị có sự tham gia của EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc (LHQ). Những bên tham gia sẽ liên lạc thường xuyên với các quan chức Israel và Palestine trong mọi bước và bất kỳ lúc nào nhưng ban đầu hai bên sẽ không bắt buộc phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp. Dải Gaza và Bờ Tây sẽ có đại diện là Chính quyền Palestine (PA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), thay vì Hamas.