Theo đài RT, trong bản cáo trạng hình sự được công bố ngày 4/9, các công tố viên Mỹ cáo buộc rằng ông Konstantin Kalashnikov và bà Elena Afanasyeva đã tài trợ, điều hành một công ty sản xuất tại bang Tennessee của Mỹ. Công ty này đã xuất bản các video tiếng Anh trên các nền tảng mạng xã hội nhằm làm gia tăng chia rẽ trong nước Mỹ.
Theo cáo trạng, những video này đã thu hút hơn 16 triệu lượt xem trên YouTube và theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, đây là nỗ lực nhằm lừa dối người Mỹ nghe những nội dung tuyên truyền nước ngoài một cách vô tình.
Hoạt động sản xuất video nhấn mạnh chia rẽ xã hội và chính trị tại Mỹ không phải là một tội. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Kalashnikov và bà Afanasyeva đã vi phạm pháp luật vì không đăng ký làm đại diện nước ngoài.
Vào năm 2017, Bộ Tư pháp đã buộc văn phòng RT tại Mỹ phải đăng ký làm đại diện nước ngoài sau khi một loạt cơ quan tình báo Mỹ cho rằng RT đã giúp ông Donald Trump đắc cử khi xuất bản các bài viết tiêu cực về bà Hillary Clinton và chỉ trích hệ thống chính trị tham nhũng của Mỹ.
Ông Kalashnikov và bà Afanasyeva phải đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù vì vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài và 20 năm tù vì rửa tiền. Tuy nhiên, cáo buộc này có thể sẽ không bao giờ được chứng minh tại một tòa án Mỹ do Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Nga.
Hai người Nga này cũng đã bị Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt cùng với Tổng biên tập RT Margarita Simonyan và ba nhân viên cấp cao khác của RT. Bà Simonyan bác bỏ cáo buộc, đáp lại bằng dòng bình luận trên Telegram: “Làm tốt lắm, đội RT!”.
Trong một cuộc họp báo ngày 4/9, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nói rằng các cáo buộc nhằm vào ông Kalashnikov và bà Afanasyeva, cũng như một kế hoạch khác của Nga nhằm lan truyền nội dung chống Ukraine trực tuyến, cho thấy chính phủ Nga sẵn sàng phá hoại tiến trình dân chủ của Mỹ.
Về phần mình, bà Simonyan chỉ trích các quan chức Mỹ khi họ tuyên bố lần thứ ba liên tiếp trong các kỳ bầu cử rằng RT đang tìm cách can thiệp vào chính trị Mỹ.
Trong các chiến dịch năm 2016 và 2020, các cơ quan tình báo Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga đã triển khai tin tặc và sử dụng chiến tranh thông tin để chuyển hướng phiếu bầu có lợi cho ông Trump. Những cáo buộc này, cùng với những tuyên bố rằng ông Trump đã thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đã tạo cơ sở cho cuộc điều tra kéo dài hai năm của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller, nhưng cuối cùng đã bị phát hiện là vô căn cứ.
Năm 2020, trên 50 cựu quan chức tình báo đã công bố một lá thư tuyên bố rằng chính Nga đã tạo ra các tập tin trên máy tính xách tay của ông Hunter Biden, con trai Tổng thống Biden, trong đó nói rằng gia đình ông Biden liên quan nhiều vụ tham nhũng ở nước ngoài. Nội dung trong chiếc máy tính xách tay đã được chứng minh là có thật.
Đầu mùa hè này, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) tại Washington đã cáo buộc rằng Điện Kremlin đã tiến hành một nỗ lực quy mô bộ chính phủ để khiến công chúng Mỹ chống ông Biden và những người theo đảng Dân chủ.
Lời cáo buộc này đã mở đường cho FBI khám xét nhà của Scott Ritter, một cựu thanh tra vũ khí của Liên hợp quốc và là cộng tác viên của RT, và Dimitri K. Simes, một chuyên gia chính trị người Mỹ gốc Liên Xô, người dẫn chương trình trên truyền hình trong nước của Nga. Ông Ritter mô tả cuộc đột kích là một nỗ lực nhằm đe dọa những người chống lại các chính sách chính thức của Mỹ.