Đoàn Việt Nam gồm đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận hướng xử lý những vướng mắc còn lại trong đàm phán lời văn và mở cửa thị trường trong RCEP. Các bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực của các nhà đàm phán trong năm 2019, cụ thể đã kết thúc đàm phán hầu hết lời văn hiệp định và đạt nhiều tiến bộ trong đàm phán mở cửa thị trường, đồng thời thống nhất nội dung báo cáo lên các nhà lãnh đạo về tình hình đàm phán hiệp định.
Tham gia hội nghị này, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thảo luận tìm kiếm các giải pháp xử lý vướng mắc nhằm kết thúc đàm phán lời văn hiệp định và đàm phán mở cửa thị trường nhằm hướng đến mục tiêu ký kết hiệp định trong năm 2020 tại Việt Nam.
Trước đó, phát biểu sau Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hôm 31/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết ASEAN và 6 đối tác thương mại vẫn lạc quan về việc đạt được đột phá đối với RCEP.
Các cuộc đàm phán về RCEP đã bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Thái Lan mong muốn các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần 7 năm qua với rất nhiều phiên họp, sẽ kết thúc trong năm nay khi nước này là Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số 3,56 tỷ người và giá trị thương mại hơn 1.030 tỷ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu).