Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Sitharaman nhấn mạnh Ấn Độ lấy tuyên bố từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) năm ngoái và tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Bengaluru (Ấn Độ) hồi tháng 2 làm cơ sở cho tuyên bố. Bà cho rằng các lãnh đạo cần đưa ra lời kêu gọi thay đổi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Hội nghị do Ấn Độ tổ chức tại thủ phủ Gandhinagar, bang miền Tây Gujarat với tư cách là Chủ tịch G20, nhằm đưa ra những cải cách cho các ngân hàng đa phương, thiết lập các hướng dẫn toàn cầu về tiền điện tử và đẩy nhanh việc giải quyết nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã làm lu mờ các mục tiêu này, dẫn đến bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Chính vì vậy, Ấn Độ, với tư cách là nước chủ nhà, đã không thể soạn thảo một thông cáo chung cuối cùng được tất cả các bên chấp nhận do có những quan điểm khác nhau về bản chất của xung đột Nga - Ukraine.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Pháp, lên án cuộc xung đột tại Ukraine. Ngược lại, Nga và Trung Quốc phản đối bất kỳ lời chỉ trích rõ ràng nào. Do đó, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên G20.
Như vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, bắt đầu vào tháng 12/2022, đã phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 này là hội nghị thứ ba được Ấn Độ tổ chức trong thời gian giữ chức Chủ tịch mà không thể đưa ra một tuyên bố chung. Các cuộc thảo luận trước đó cũng thiếu sự đồng thuận và Ấn Độ chỉ đưa ra tài liệu tóm tắt và kết quả của Chủ tịch G20 về những bất đồng.