Sáng 9/9, lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tập trung tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Trong hai ngày tới, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến thảo luận về tăng trưởng kinh tế bền vững, chính sách hành động về khí hậu, tài chính xanh, an ninh lương thực, cùng với các vấn đề khác.
Hội nghị thượng đỉnh này được đánh giá là thành tựu trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G20 của Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái. Hơn 200 cuộc họp về các chủ đề khác nhau đã được nước chủ nhà tiến hành trong 9 tháng qua.
Phát biểu với giới truyền thông trước giờ khai mạc sự kiện, ông Amitabh Kant, người đứng đầu nhóm cố vấn G20 của Ấn Độ, cho biết tuyên bố cuối cùng của hội nghị gần như đã sẵn sàng. Theo truyền thống, tuyên bố chung được đưa ra vào ngày cuối của cuộc hội nghị thường niên này để đạt được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo các nước.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng hội nghị G20 ở New Delhi có đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung hay không.
Lý do chủ yếu đằng sau mối lo ngại đó là tình hình xung đột Ukraine - chủ đề này là một điểm gây chia rẽ trong chương trình nghị sự chung, mặc dù nước chủ nhà Ấn Độ nhiều lần tuyên bố rằng G20 là diễn đàn để thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển và hợp tác kinh tế.
Các nhà đàm phán đại diện cho nguyên thủ mỗi nước G20, đã gặp tiền trạm tại Haryana vào đầu tuần này. Đáng chú ý, họ không đạt được đồng thuận về Tuyên bố Delhi đã được đề xuất vì các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), đã từ chối chấp nhận những thay đổi do New Delhi đề xuất liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Mặc dù ông Amitabh Kant từ chối giải thích chi tiết về tuyên bố chung, ông vẫn lưu ý rằng tuyên bố này sẽ phản ánh cả tiếng nói của "Global South" (tạm dịch: Nam bán cầu, gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á) và các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Kant cũng lưu ý rằng vấn đề Ukraine đã được thảo luận từ rất lâu, kể từ khi cuộc xung đột đó gây tác động đến ninh lương thực toàn cầu.
Hãng tin Reuters ngày 9/9 đưa tin các nhà đàm phán G20 đã không thể giải quyết những bất đồng về nội dung của tuyên bố. Theo bản tài liệu dự thảo mà hãng tin trên nắm được, một đoạn về “tình hình địa chính trị” đã bị bỏ trống. Trong khi đó, dường như 75 đoạn nội dung khác bao gồm biến đổi khí hậu, tiền điện tử và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương… đã đạt được sự nhất trí chung.
Ấn Độ đảm nhận chức chủ tịch G20 từ Indonesia vào năm 2022 với hàng loạt thách thức nghiêm trọng: đại dịch COVID-19, nền kinh tế phục hồi chậm, khủng hoảng nợ, mục tiêu phát triển bền vững bị đảo ngược và chính sách khí hậu gặp khó khăn. Những chủ đề này đã trở thành trọng tâm chính trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ.
Ngày 8/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc New Delhi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Lưu ý rằng thế giới đang ở trong một “thời điểm chuyển tiếp khó khăn”, ông Guterres đã kêu gọi nguyên thủ các quốc gia hành động quyết đoán trong hai lĩnh vực chính: khủng hoảng khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Guterres cũng bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ ngày càng tăng trên thế giới cùng với nguy cơ xói mòn niềm tin. Ông cho rằng cấu trúc tài chính toàn cầu đã lỗi thời, rối loạn chức năng, không công bằng và đòi hỏi những cải cách cơ cấu sâu sắc.
Tổng thư ký Antonio Guterres bày tỏ sự tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ làm mọi thứ có thể để cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo thế giới kết thúc với những kết quả có thể đạt được.