Khinh khí cầu này có tên "Tal Shamayim" (Giọt sương trên trời), là một trong những khinh khí cầu có khả năng quan sát cao nhất thuộc loại này.
Mục đích triển khai khinh khí cầu này là để giám sát khu vực biên giới khi xung đột với Hezbollah leo thang dọc biên giới với Liban.
Hệ thống khí cầu này là một dự án hợp tác của Mỹ và Israel, do Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ phát triển.
Không quân Israel chính thức nhận khí cầu vào năm 2022.
Tư lệnh Lực lượng Không quân Israel, Thiếu tướng Aluf AmikamNorkin cho biết vào thời điểm đó: “Lực lượng Không quân Israel phải đối mặt với các mối đe dọa đáng kể ở chiến trường phía Bắc và chúng ta phải chuẩn bị cho mọi tình huống. Hệ thống mới bổ sung quan trọng cho khả năng kiểm soát trên không hiện có và tăng cường khả năng của không quân trong bảo vệ bầu trời Israel”.
Hệ thống khí cầu này sẽ giúp Israel phát hiện tên lửa tầm xa, tên lửa hành trình và máy bay không người lái đang bay tới.
Công ty TCOM của Mỹ sản xuất khinh khí cầu trinh sát trên. Khí cầu này có radar tiên tiến, có thể bay ở độ cao lớn, giúp Israel phát hiện và cảnh báo sớm các mối đe dọa. Khí cầu có thể mang theo 3,1 tấn và có độ cao hoạt động là trên 3.000m.
Israel có hệ thống phòng không tiên tiến nhờ Mỹ tài trợ mạnh mẽ. Hệ thống phòng không di động Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được Mỹ hỗ trợ 1,6 tỷ USD để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công rocket thường xuyên của Hamas.
Tình trạng thù địch giữa Hezbollah và Israel lại bùng lên sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel khiến 1.139 người thiệt mạng.
Israel bị phía Hamas cáo buộc đã giết chết khoảng 22.000 người Palestine và khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân trên lãnh thổ này phải di dời trong cuộc chiến với Hamas sau đó.
Cuộc giao tranh đã lan sang các nước láng giềng khi Hezbollah bắn tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích vào Liban.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Hamas là Saleh al-Arouri (người được Hezbollah bảo vệ) đã bị Israel tiêu diệt ở Beirut, cho thấy lực lượng này đang mở rộng chiến trường.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục cử nhiều quan chức tới Trung Đông để dùng biện pháp ngoại giao nỗ lực ngăn chặn leo thang xung đột giao giữa Israel và Hezbollah.
Trước đó, ngày 6/1, Hezbollah thừa nhận đã phóng hơn 60 quả rocket vào một căn cứ quân sự của Israel ở khu vực Meron, đồng thời mô tả cuộc tấn công này là phản ứng ban đầu đáp trả vụ máy bay không người lái của Israel ám sát ông al-Arouri.
Cùng ngày, quân đội Israel cho biết ngay sau khi còi báo động vang lên khắp miền Bắc Israel, quân đội Israel đã xác định khoảng 40 vụ phóng từ Liban vào khu vực Meron thuộc miền Bắc Israel và Lực lượng Phòng vệ Israel đã đáp trả.
Tờ The Times of Israel dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant ngày 5/1 cảnh báo thời gian không còn nhiều cho những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Israel và Hezbollah. Theo tờ báo trên, Bộ trưởng Gallant nêu rõ Israel sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiến hành chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn chống Hezbollah. Tuyên bố được ông Gallant đưa ra trong cuộc họp đánh giá tình hình tại căn cứ Bộ Chỉ huy miền Bắc của Lực lượng phòng vệ Israel.
Trong khi đó, thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban, Hassan Nasrallah, cảnh báo sẽ phản ứng nhanh chóng trên chiến trường sau vụ ông al-Arouri bị sát hại. Ông Nasrallah nói rõ đây là một vụ việc nghiêm trọng và không thể không bị đáp trả, vì vụ việc diễn ra ngay tại nơi là thành trì của Hezbollah. Hiện Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát ông al-Arouri.