Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, hội nghị diễn ra sau lễ kỷ niệm 18 năm thành lập ALBA-TCP tại phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba cùng ngày. Tại buổi lễ, đại diện của các quốc gia trong khối đã nêu bật vai trò của ALBA-TCP trong khu vực.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh nếu không có cơ chế hội nhập dựa trên các nguyên tắc đoàn kết, bổ sung và hợp tác này, Mỹ Latinh sẽ không thể đối mặt với các ngã rẽ mới như hiện nay.
Theo Chủ tịch Cuba, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát và ít khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, các lực lượng tiến bộ đang tiến lên trong khu vực nhờ kết quả của các cuộc đấu tranh xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc không ngừng quấy rối và thúc đẩy các quy trình pháp lý có động cơ chính trị. Chủ tịch Díaz-Canel cũng tố cáo các thế lực chính trị liên tục thao túng thực tế, hậu thuẫn các chính trị gia theo đường lối phát xít và luôn tìm cách để ngăn chặn chiến thắng của lực lượng cánh tả.
Chủ tịch Díaz-Canel chỉ rõ thực tế này tái khẳng định vai trò quan trọng của ALBA-TCP trong việc thúc đẩy hội nhập. Nhà lãnh đạo Cuba hoan nghênh những tiến bộ của khối và kêu gọi các nước thành viên nỗ lực đến năm 2023 đạt được các mục tiêu mà ALBA-TCP đặt ra trong lĩnh vực kinh tế và thương mại cũng như thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược.
Liên minh ALBA-TCP được thành lập ngày 14/12/2004 với vai trò ảnh hưởng của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Venezuela Hugo Chávez khi đó có tên gọi Phương án Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ của chúng ta. Năm 2006, cơ chế này đổi tên thành Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định Thương mại của các dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, ALBA-TCP gồm 10 thành viên chính thức là Cuba, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Dominica, Antigua & Barbuda, San Vicente & Granadinas, Granada, San Cristobal & Nieves, và Santa Lucía, cùng 3 nước quan sát viên là Syria, Haiti và Surinam.
ALBA-TCP là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh như một sự lựa chọn thay thế Khu vực Thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất nhưng thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của các nước tại châu lục này.