Khi Mỹ và EU bắt tay tự do hóa thương mại

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngần ngại ấn định thời điểm khởi động đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào tháng 7 này. Giới phân tích hầu như nhất trí rằng TTIP không chỉ dừng lại ở tham vọng hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới để thúc đẩy hai đầu tàu kinh tế mà còn thể hiện "sự đồng tâm hợp lực" của Mỹ và EU nhằm đối chọi với sự trỗi dậy của Trung Quốc nói riêng và nhóm BRICS.


Từ tràn trề hy vọng ...


Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng TTIP giữa EU và Mỹ là một thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng nếu được hoàn tất, TTIP sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Ông Obama lưu ý rằng quan hệ Mỹ - EU là mối quan hệ lớn nhất trên thế giới. Do đó sự hợp tác song phương sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, trong đó có tăng cường xuất khẩu, giảm rào cản thương mại và đầu tư, trong chiến lược phát triển rộng lớn hơn của cả hai nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Mỹ và EU hy vọng có thể gác lại mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán TTIP. Ảnh Internet


Nếu đàm phán thành công, mỗi năm TTIP có thể giúp tăng thêm từ 0,5-1% GDP cho cả hai bên, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới. Một khi có hiệu lực, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro mỗi năm, nhiều hơn con số 95 tỷ euro mà nền kinh tế Mỹ có thể thu về hàng năm.


Có thể nói lợi ích mà TTIP mang lại cho Mỹ và EU rất thiết thực. Kim ngạch trao đổi thương mại lớn khiến việc hủy bỏ các loại thuế quan và rào cản phi thuế quan càng thêm cần thiết và quan trọng đối với cả hai. Mỹ và EU hy vọng, sau khi hình thành, khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương, giúp gia tăng nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm. Nhưng đằng sau đó là sự liên kết để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nói riêng và BRICS nói chung. Mỹ và EU có thể dựa vào nhau để có vị thế và ưu thế mới trong quan hệ với các đối tác khác.


Đề xuất tự do hóa khu vực thương mại EU-Mỹ được coi là "cứu cánh" cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chìm trong suy thoái và thất nghiệp. Mỹ cũng kỳ vọng TTIP sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế đang khá ì ạch của nền kinh tế số một thế giới.


... Tới những lo ngại


Nội dung vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và EU bắt đầu từ 8/7 là thống nhất về phạm vi và quy mô các vấn đề sẽ bước vào đàm phán. Nhưng theo giới phân tích, sự bắt tay lần này của Mỹ đòi hỏi không ít sự đánh đổi từ châu Âu, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, rào cản lớn nhất đối với TTIP. Pháp đã lên tiếng khẳng định sẽ sử dụng mọi quyền lực của mình để phủ quyết điều khoản thỏa thuận về lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn, nhân tố có thể sẽ châm ngòi cho sự đổ vỡ của hiệp định đầy hứa hẹn này.


Trong khi đó, tự do buôn bán các sản phẩm văn hóa là một nội dung phía Mỹ yêu cầu phải đưa vào chương trình nghị sự đàm phán TTIP. Anh và Đức lo ngại rằng, nếu Pháp kiên quyết đòi loại các sản phẩm văn hóa khỏi các cuộc đàm phán thì phía Mỹ có thể sẽ trả đũa bằng việc yêu cầu loại lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển hoặc mua sắm công khỏi chương trình nghị sự đàm phán.


Do các biểu thuế giữa Mỹ và EU tương đối thấp, phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là giảm bớt các quy định và các hàng rào "phi chính thức khác" đã ngăn cản hoạt động thương mại trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến hóa chất, ô tô hay tài chính.


Chính sách thương mại hiện hành của EU và Mỹ đều có xung đột trong các lĩnh vực như nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ thông tin... Hơn nữa hai bên cũng vướng vào nhiều tranh chấp thương mại tay đôi kéo dài nhiều năm.


Không những thế , những cáo buộc mới liên quan tới chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ có thể sẽ phủ mây đen lên bàn đàm phán, ảnh hưởng xấu tới nỗ lực tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương, khiến các cuộc đàm phán có nguy cơ gặp nhiều khó khăn.


Mỹ và EU hy vọng có thể gác lại những tranh chấp và mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng, từ đó mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch trao đổi mậu dịch. Tuy nhiên, hy vọng này càng trở nên mong manh hơn khi vụ bê bối nghe lén bị "lộ sáng".


Hoàng Hà

Pháp - Đức bất đồng về đàm phán FTA EU-Mỹ
Pháp - Đức bất đồng về đàm phán FTA EU-Mỹ

Nữ phát ngôn viên Chính phủ Pháp Najat Vallaud-Belkacem ngày 3/7 nói rằng nước này đang kêu gọi tạm ngưng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khổng lồ giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN