Khủng hoảng chi phí sinh hoạt đẩy thêm 71 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực

Ngày 7/7, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố báo cáo cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu đang đẩy thêm 71 triệu người ở những nước nghèo nhất thế giới lâm vào cảnh nghèo cùng cực. 

Chú thích ảnh
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Gumuruk, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner, kết quả phân tích 159 nước đang phát triển trên thế giới cho thấy giá cả các mặt hàng chủ chốt tăng chóng mặt trong năm nay đang chồng chất thêm khó khăn cho những nước ở các khu vực châu Phi Nam Sahara, Balkan, châu Á và nhiều nơi khác. Ông nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt này đang đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo, thậm chí thiếu ăn, với tốc độ chóng mặt. Do vậy, nguy cơ bất ổn xã hội đang tăng từng ngày". 

Báo cáo nêu rõ trong số những nước đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có Armenia, Uzbekistan, Burkina Faso, Ghana, Kenya, Rwanda, Sudan, Haiti, Pakistan, Sri Lanka, Ethiopia, Mali, Nigeria, Sierra Leon, Tanzania và Yemen. 

Các thể chế quốc tế như LHQ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề ra một số ngưỡng nghèo đói. Cụ thể là ngưỡng thu nhập từ 1,9 USD trở xuống/ngày ở những nước nghèo nhất, 3,2 USD/ngày ở những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, và 5,5 USD/ngày ở những nước có thu nhập trung bình cao. 

Báo cáo của UNDP nêu rõ, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay có thể sẽ đẩy thêm hơn 51 triệu người vào cảnh thu nhập dưới 1,9 USD/ngày và thêm 20 triệu người thu nhập dưới 3,2 USD/ngày. Báo cáo ước tính tổng cộng 1,7 tỉ người trên thế giới sẽ lâm vào đói nghèo do cuộc khủng hoảng này.

Báo cáo cho rằng chính phủ các nước nên hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo bởi biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả và công bằng hơn so với việc trợ giá các mặt hàng như năng lượng, thực phẩm hiện nay. Báo cáo nhấn mạnh một bộ phận người giàu trong xã hội dường như được hưởng lợi hơn từ những biện pháp trợ giá này. 

Theo quan chức phụ trách can dự chính sách chiến lược thuộc UNDP George Gray Molina, việc trợ giá về dài hạn sẽ làm tăng tình trạng bất bình đẳng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và không giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.

UNDP kêu gọi các nước hợp tác hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng này và đang tìm cách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các nước dễ bị tổn thương nhất.  UNDP hy vọng những nước giàu gia hạn thêm 2 năm Sáng kiến hoãn thanh toán nợ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khởi xướng để hỗ trợ các nước nghèo trong đại dịch COVID-19, đồng thời mở rộng những nước được hoãn thanh toán nợ trong sáng kiến này từ 73 nước hiện nay lên ít nhất 85 nước.

Minh Châu  (TTXVN)
UNDP nhận định về cuộc khủng hoảng đa tầng hiện nay
UNDP nhận định về cuộc khủng hoảng đa tầng hiện nay

Tổng giám đốc chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nhận định thế giới đang cùng lúc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ gia tăng nợ công đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN