Theo một quan chức cấp cao giấu tên, tại hội nghị Sáng kiến quốc tế chống mã độc tống tiền (CRI) lần thứ ba diễn ra đầu tháng tới, Chính phủ Mỹ sẽ công bố các biện pháp ứng phó của nước này, trong đó có sáng kiến chia sẻ thông tin về những đối tượng tấn công và những tài khoản ngân hàng mà tin tặc sử dụng để nhận tiền chuộc.
Mã độc tống tiền là phần mềm độc hại phổ biến, được các nhóm tin tặc sử dụng để mã hóa các tập tin của cá nhân hoặc doanh nghiệp cho đến khi được trả tiền chuộc để mở khóa. Các khoản thanh toán tiền chuộc thường được thực hiện bằng các loại tiền mã hóa. Các ngân hàng, cơ quan chính phủ, tập đoàn, trường học và bệnh viện đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền.
Nhà Trắng lâu nay khuyến cáo những cá nhân, tổ chức bị tấn công mạng không trả tiền chuộc cho tin tặc và kêu gọi các nước khác hành động tương tự.
Theo dữ liệu của Statista, vào năm ngoái, thế giới chứng kiến hơn 493 triệu vụ tấn công mạng hoặc âm mưu tấn công mạng bằng mã độc tống tiền.
Hội nghị CRI là sáng kiến của Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công mã độc tống tiền và là một phần cốt lõi trong chương trình nghị sự quốc tế về an ninh mạng của nước này. Thông qua sáng kiến này, Chính phủ Mỹ thực hiện các hành động cụ thể với các đối tác quốc tế để bảo vệ công dân và doanh nghiệp trên toàn thế giới trước các loại hình tội phạm mạng. CRI hiện có 50 quốc gia thành viên cùng các tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và Liên minh châu Âu (EU).