Theo đài RT (Nga), tổ máy đầu tiên trong số hai tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Rooppur, có công suất 2.400 MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024, cung cấp năng lượng rất cần thiết cho cường quốc kinh tế mới nổi trong khu vực. Với việc nhận nhiên liệu urani từ Nga, Bangladesh sẽ trở thành quốc gia sử dụng nhiên liệu hạt nhân thứ 33 trên thế giới.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, đã phát biểu trực tuyến tại buổi lễ lịch sử này.
“Không chỉ xây dựng nhà máy, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đối tác Bangladesh trong suốt vòng đời vận hành của dự án hạt nhân này. Quá trình này sẽ bao gồm nghĩa vụ cung cấp dài hạn nhiên liệu cho lò phản ứng, bảo trì nhà máy điện hạt nhân và quản lý vật liệu hạt nhân đã qua sử dụng”, Tổng thống Putin nói. Ông cho biết phía Nga cũng sẽ đào tạo nhân sự có trình độ cao cho ngành công nghiệp hạt nhân của Bangladesh.
Về phần mình, Thủ tướng Hasina đã bày tỏ lòng biết ơn tới ông Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ấn Độ cũng là đối tác của dự án và các công ty của nước này đang tiến hành xây dựng nhà nhà máy với tư cách là nhà thầu. Ngoài ra, các chuyên gia Bangladesh được đào tạo ở cả Nga và Ấn Độ.
Thủ tướng Bangladesh Hasina cho biết việc đưa nhà máy hạt nhân Rooppur vào vận hành là bước tiến lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thoả thuận mà Bangladesh và Nga vừa ký kết. Theo đó, Nga sẽ loại bỏ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Giám đốc Tập đoàn năng lượng Rosatom của Nga, ông Aleksey Likhachev, đã đích thân tham dự buổi lễ này.
“Ngày hôm nay đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển quan hệ Nga - Bangladesh. Sau khi được cung cấp nhiên liệu hạt nhân, Nhà máy điện hạt nhân Rooppur sẽ trở thành cơ sở hạt nhân và Bangladesh sẽ có được vị thế là quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình”, ông Likhachev nói.
Kiến trúc sư Yeafesh Osman, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Bangladesh, bày tỏ: “Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc đặc biệt này từ lâu. Đây là lễ kỷ niệm không chỉ của người dân Pabna mà còn của cả dân tộc”.
Ông Aleksey Deriy, Giám đốc dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Rooppur thuộc Công ty Cổ phần ASE, nói rằng sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với dự án, vì nó chứng minh rằng địa điểm, cơ sở hạ tầng, nhân viên và an ninh đã sẵn sàng cho bước tiến lớn tiếp theo. Ông nói thêm rằng Bangladesh hiện đang gia nhập “câu lạc bộ ưu tú của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân”.
Theo truyền thông địa phương, lô urani - nhiên liệu hạt nhân của tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Rooppur, đã đến Bangladesh vào tuần trước. Lô urani từ Nga được đưa đến Dhaka thông qua một chuyến hàng đặc biệt bằng đường hàng không và được chuyển đến nhà máy bằng đường bộ trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt. Nhiên liệu hạt nhân được đưa đến Sân bay Quốc tế Hazrat Shahjalal ở Dhaka bằng một chiếc máy bay đặc biệt từ một nhà máy ở Nga. Nhiên liệu này được sản xuất tại Nhà máy cô đặc hóa chất Novosibirsk ở Nga, một công ty con của của Rosatom.
Cho đến nay, nhà máy điện hạt nhân Rooppur, cách Dhaka khoảng 140 km về phía tây, là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Bangladesh. Nhà máy này cũng là dự án quan trọng trong kế hoạch loại bỏ than đá và các nhiên liệu hóa thạch của nước này . Chính phủ Bangladesh đã khởi động chương trình điện hạt nhân vào năm 2009. Đến năm 2016, nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc định hình dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Bangladesh đã ký Thỏa thuận liên chính phủ với Nga vào năm 2011. Những năm sau đó, Chính phủ Bangladesh và Nga đã ký một số thỏa thuận tín dụng liên chính phủ trị giá khoảng 12 tỷ USD để tài trợ cho dự án này.
Nhà máy điện hạt nhân Rooppur đã khởi công từ tháng 10/2013 và giai đoạn xây dựng chính bắt đầu từ tháng 11/2017. Nhà máy này đang được xây dựng theo thiết kế VVER (Lò phản ứng điện điều tiết bằng nước làm mát bằng nước) AES-2006 của Nga (VVER-1200, V-392M) và kinh nghiệm vận hành Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh.
Các quan chức cho biết dự án đang được thực hiện theo đúng tiến độ, bất chấp những hạn chế do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã phải đối mặt với áp lực đáng kể cùng với những người bạn Bangladesh. Chúng tôi đã khắc phục được hậu quả của đại dịch, sự gián đoạn trong vấn đề hậu cần, những thay đổi trong toàn bộ chuỗi cung ứng trên toàn cầu và áp lực chính trị từ bên ngoài. Những áp lực đó không làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, nhưng cũng không ngăn cản việc triển khai dự án”, ông Likhachev nói bên lề buổi lễ.
Bangladesh đã phải đối mặt với vấn đề thanh toán một số khoản nợ, khi các ngân hàng chủ chốt của Nga bị ngắt kết nối với hệ thống toàn cầu SWIFT. Hồi tháng 4, tờ Nikkei đưa tin giới chức đã tìm ra giải pháp, đó là các khoản thanh toán này có thể được giải quyết bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Bangladesh nói rằng việc trả nợ cho Moskva bằng đồng nhân dân tệ dường như là lựa chọn khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.