Một trong những mục đích chính của cuộc gặp thượng đỉnh 3 nước lần này là quyết định tương lai của tỉnh Idlib (Tây Bắc Syria) trong bối cảnh quân đội Syria đang dốc sức cho trận đánh cuối cùng tại thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy, nơi vẫn còn khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Ba nhà lãnh đạo sẽ quyết định quy mô và thời điểm tiến hành cuộc chiến lớn cuối cùng này. Một tờ báo của Syria, mang tên Al-Watan, cho biết chiến dịch trên sẽ có thể diễn ra "ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh".
Tỉnh Idlib hiện đang nằm trong tay nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS), do một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda điều hành. Tỉnh này và các khu vực lân cận đã bị các lực lượng của chính phủ bao vây từ năm 2015. 8 tổ chức viện trợ nhân đạo hàng đầu cảnh báo "những người dễ bị tổn thương nhất sẽ phải trả cái giá đắt nhất", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "hối hợp để tránh kịch bản nhân đạo tồi tệ tại đây".
Nga và Iran - hai nước ủng hộ Chính phủ Syria, quyết tâm quét sạch các phần tử khủng bố và lập lại hòa bình tại Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thể hiện quyết tâm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc tổng tấn công trên có thể gây ra một dòng người di cư Syria đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm nơi trú ẩn an toàn, đồng thời cho biết sẽ cố gắng ngăn chặn kế hoạch tổng tấn công trên. Theo nhật báo Sabah, một tờ báo thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã vạch ra một kế hoạch để đề xuất sơ tán các tay súng ra khỏi Idlib nhằm tránh đổ máu.
Theo kế hoạch trên, 12 nhóm vũ trang, trong đó có HTS sẽ hạ vũ khí và được sơ tán khỏi tỉnh này để đến một vùng đệm, dưới sự giám sát của phe đối lập. Trong khi đó, các tay súng nước ngoài của các nhóm trên sẽ được phép hồi hương nếu muốn. Những nhóm nào từ chối giải giáp và sơ tán sẽ trở thành mục tiêu của các chiến dịch chống khủng bố. Kế hoạch trên cũng đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự Hmeimim của Nga tại tỉnh Latakia và các mỏ khoáng sản trong vùng.
Ankara, Moskva và Tehran là ba nhà bảo trợ của tiến trình hòa đàm Astana, một cơ chế đàm phán được khởi động sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Tiến trình này diễn ra song song với các vòng đàm phán do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ và được phương Tây ủng hộ, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Đài truyền hình Iran cho biết 3 lãnh đạo sẽ có "cuộc gặp song phương" riêng rẽ bên lề hội nghị chính, và sẽ tiến hành họp báo chung.
Theo kế hoạch, vài giờ sau hội nghị thượng đỉnh 3 nước tại Tehran, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp theo đề nghị của Mỹ để thảo luận về Idlib.