Đài phát thanh WABE Radio đưa tin thương hiệu ô tô hạng sang Mercedes-Benz mới đây đã khai trương trụ sở Bắc Mỹ mới ở Sandy Springs, Georgia với 1.000 nhân viên. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức, các công ty ô tô nước này đã sản xuất hơn 800.000 xe tại Mỹ trong năm ngoái, và một nửa trong số đó được bán ở thị trường nước ngoài.
Mẫu xe BMW 1 tại Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 10/8/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 8/3 vừa qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ và giới doanh nghiệp trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép vào 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ nằm trong nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp sản xuất nhôm, thép trong nước.
Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump ngày 22/3 đã quyết định hoãn áp mức thuế quan mới gây tranh cãi đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính, đến ngày 1/5/2018. Danh sách này gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), và các đối tác khác là Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc.
Theo ông Stefan Mair, thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức ở Berlin, các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng mức thuế mới đối với thép nhập khẩu có thể gây tổn hại cho các công ty như Mercedes-Benz, Volkswagen và Porsche, hiện có hoạt động sản xuất tập trung đáng kể ở khu vực miền Nam nước Mỹ.
Lisa Cook, giảng viên kinh tế học và quan hệ quốc tế tại Đại học bang Michigan, cho rằng mức tăng giá bán xe (do thuế thép nhập khẩu) có thể đủ để người tiêu dùng trì hoãn dự định mua một chiếc xe mới.
Khoảng 25% tổng số thép tại Mỹ được sử dụng trong ngành sản xuất ô tô và 10% trong chế tạo máy móc thiết bị. Đây là hai ngành công nghiệp mà các công ty Đức đã đầu tư mạnh vào Mỹ trong những năm qua. Đó là nhận định của ông Stefanie Ziska, Chủ tịch Phòng Thương mại Đức khu vực miền Nam nước Mỹ (GACC South).
Jeffrey Rosensweig, giảng viên kinh doanh quốc tế tại Đại học Emory ở Georgia, đánh giá chi phí sản xuất và xuất khẩu ô tô tăng lên sẽ không chỉ làm mất việc làm, mà còn có thể gây tổn hại cho nước Mỹ cũng như sự cân bằng thương mại của Mỹ.
Ông Rosensweig cho rằng việc đánh thuế thép có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại vượt ra khỏi phạm vi ngành công nghiệp ô tô, khi ông đề cập đến khả năng các đối tác thương mại của Mỹ có thể tiến hành các biện pháp “trả đũa” vào các lĩnh vực nhạy cảm của nước này, ví dụ như nông nghiệp.