Nghiên cứu sâu về cơ chế phản ứng miễn dịch của tế bào bạch cầu đối với virus SARS-CoV-2

Việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ kích hoạt loạt cơ chế bảo vệ trong cơ thể người, được gọi chung là phản ứng miễn dịch thích ứng. Phản ứng miễn dịch thích ứng có thể được chia nhỏ thành đáp ứng miễn dịch dịch thể (dựa trên kháng thể) và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.

Chú thích ảnh
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy một tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu gần đây được công bố trên chuyên trang nghiên cứu y khoa medRxiv, các nhà nghiên cứu đánh giá mối tương quan giữa các phản ứng miễn dịch thể và phản ứng miễn dịch qua trung gian qua tế bào đối với virus SARS-CoV-2 ở những người có triệu chứng và không có triệu chứng tại Anh.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ nhóm TwinsUK và nhóm nghiên cứu triệu chứng COVID (CSS). TwinsUK có trên 14.000 cá nhân đã đăng ký tham gia, trong đó bao gồm trên 7.000 cặp song sinh.

Tổng cộng có 431 cá nhân từ nhóm TwinsUK đã tham gia vào nghiên cứu thăm khám tại nhà trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2020. Trong số 431 người tham gia nghiên cứu thăm nhà này, 4 người cũng đã tham gia đầy đủ vào CSS. Dữ liệu CSS đã được sử dụng để thiết lập thang điểm 'triệu chứng', với thang điểm nằm trong khoảng từ 0 đến 1,0. Điểm trên 0,5 thể hiện “dương tính với triệu chứng” mắc COVID-19.

Tất cả những người tham gia được chia thành 4 nhóm dựa trên điểm số triệu chứng và phản ứng kháng thể IgG chống protein gai từ lần thăm khám tại nhà đầu tiên. Các nhóm bao gồm những cá nhân “dương tính về triệu chứng” với COVID-19 và có phản ứng dương tính với kháng thể (Nhóm 1), những cá nhân “dương tính về triệu chứng” với COVID-19 nhưng âm tính với kháng thể (Nhóm 2), những cá nhân “âm tính về triệu chứng” đối với COVID-19 và phản ứng dương tính với kháng thể, biểu hiện của mắc bệnh không triệu chứng (Nhóm 3) và những cá nhân “âm tính về triệu chứng” đối với COVID-19 và âm tính với kháng thể, biểu hiện của nhóm khỏe mạnh ( Nhóm 4).

Vào giai đoạn cuối nghiên cứu, có 9 người được đưa vào Nhóm 1, 12 người vào Nhóm 2, 6 người trong Nhóm 3 và 5 người vào Nhóm 4. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đã cung cấp huyết thanh của họ để phân tích lượng protein gai và kháng thể nucleocapsid, cũng như phản ứng tế bào lympho T. Trong lần thăm khám thứ hai, những người tham gia tiếp tục cung cấp mẫu huyết thanh, được sử dụng để phân tách tế bào đơn nhân máu ngoại vi (PBMC) và tiến hành xét nghiệm kháng thể.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không ai trong số 17 người âm tính với kháng thể (bao gồm cả những người trong Nhóm 2 và 4) hay có phản ứng của tế bào lympho T, khi huyết thanh của họ được thử nghiệm chống lại các nhóm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 và protein nucleocapsid, cũng như tiểu phần S1 và S2 của protein gai. Trong khi đó, có 14 trong số 15 người dương tính với kháng thể, có phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T chống lại các kháng nguyên virus này.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nồng độ kháng thể IgG chống protein gai có tương quan chặt chẽ với phản ứng của tế bào T hỗ trợ (CD4+) so với mức độ liên quan của chúng với lượng tế bào T điều hòa. Mặc dù phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên, vì tế bào T hỗ trợ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các phản ứng kháng thể của tế bào B, mối tương quan chặt chẽ giữa các tế bào T điều hòa và tế bào T hỗ trợ cũng được ghi nhận. Đáng chú ý, tất cả những người âm tính với kháng thể cũng không có biểu hiện phản ứng của tế bào T khi nhiễm virus SARS-CoV-2, bất kể họ xác nhận đã gặp các triệu chứng giống COVID-19 hay không.

Qua nghiên cứu, mối liên hệ chặt chẽ giữa nồng độ kháng thể IgG chống protein gai và phản ứng của tế bào T chứng tỏ rằng xét nghiệm tế bào T không có khả năng bổ sung bất kỳ thông tin nào liên quan đến khả năng miễn dịch của một người đối với virus SARS-CoV-2, khi được sử dụng cùng với biện pháp đo nồng độ kháng thể trung hòa. Tuy nhiên, vì khả năng phản ứng của tế bào T và mức độ kháng thể có thể khác nhau vào các thời điểm sau đó, thông tin này có thể hữu ích cho các nhà nghiên cứu để đánh giá cách thức phản ứng của tế bào T và lượng kháng thể suy yếu sau vài tháng mắc bệnh hoặc tiêm phòng.

Đặng Ánh (TTXVN)
WHO cảnh báo khả năng lây lan mạnh toàn cầu của biến thể 'Omicron tàng hình'
WHO cảnh báo khả năng lây lan mạnh toàn cầu của biến thể 'Omicron tàng hình'

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/2 nhận định số ca mắc biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình", sẽ gia tăng trên phạm vi toàn cầu, dù giới khoa học hiện vẫn chưa biết liệu biến thể phụ này có khả năng gây tái nhiễm ở người từng mắc Omicron hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN