Đây là tình trạng đáng báo động trong bối cảnh Dải Gaza đang ngập trong hàng trăm nghìn tấn chất thải sinh hoạt và các đống đổ nát từ cuộc xung đột kéo dài giữa Israel - Hamas.
Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, kết quả phân tích 2 mẫu nước thải ở khu vực cho thấy hàng nghìn người di tản sống trong các khu lều trại đểu có thể mắc phải căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, nguy cơ gây dị tật và tê liệt, reo rắc mầm mống về thảm họa y tế mới.
Chính quyền thành phố Deir el-Balah, nơi có 700.000 người lánh nạn, cảnh báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các trạm xử lý nước thải ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu, nhất là trong lúc nhiệt độ mùa hè ngày càng tăng cao.
Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo kể từ khi chiến tranh nổ ra, ngoài nạn đói, người dân ở Dải Gaza còn đối mặt với các dịch bệnh lây lan nhanh chóng như bệnh ghẻ, thủy đậu, phát ban trên da, chấy rận, thậm chí là dịch tả và các bệnh nghiêm trọng khác.
Theo nghiên cứu của nhóm hoạt động PAX (Hà Lan), việc Israel liên tiếp không kích và chặn nguồn cung nhiên liệu của Israel đã làm suy giảm năng lực xử lý của hệ thống thu gom rác thải vốn đã lạc hậu ở Dải Gaza. Ảnh vệ tinh cho thấy số lượng và quy mô của các bãi rác tại khu vực đã ra gia tăng nhanh chóng. Chất lỏng độc hại còn gọi là “súp hóa học” rò rỉ từ các bãi rác có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đất nông nghiệp, sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và quay trở lại cơ thể con người.
PAX cảnh báo nước có thể phát tán chất độc ở phạm vi rộng lớn, thậm chí ra ngoài vùng chiến sự, toàn bộ khu vực có thể sớm phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Cũng trong ngày 18/7, máy bay chở hàng nhân đạo của Chính phủ Italy đã hạ cánh xuống thủ đô Amman của Jordan mang theo thực phẩm và thiết bị y tế cho người dân ở Dải Gaza. Số hàng viện trợ gồm hơn 60 tấn thực phẩm, các dụng cụ và thiết bị vệ sinh, cùng với 150 lều bạt. Theo Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani, hoạt động này nhằm thể hiện sự quan tâm của nước này đối với tình hình nhân đạo ở Dải Gaza. Chính phủ Italy cam kết làm tất cả có thể để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Palestine tại khu vực.
Hoạt động là một phần trong sáng kiến “Thực phẩm cho Gaza” do Italy dẫn đầu cùng với Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Italy dự kiến sẽ phân bổ 30 triệu euro (32,8 triệu USD) cho kế hoạch.