Sau cuộc bỏ phiếu ngày 31/5 (giờ địa phương) với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, ông McCarthy chia sẻ với các phóng viên: “Điều đó không phải về cách bạn bắt đầu như thế nào mà là cách bạn hoàn thành nó”. Đây cũng chính là một trong những phát biểu ông đưa ra vào tháng 1 sau khi chính thức được xác nhận là Chủ tịch Hạ viện.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và đảng Cộng hòa từ chối tăng trần nợ công nếu không cắt giảm ngân sách. Tổng thống Biden trong khi đó khước từ đàm phán và ông nói rằng trần nợ công cần được nâng không cần điều kiện kèm theo và sau đó ông sẽ thảo luận khả năng cắt giảm ngân sách.
Đến ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về trần nợ công với các nội dung được Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nhất trí sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán. Ông McCarthy khẳng định rằng đảng Cộng hòa đã làm việc để “đưa hy vọng cho người Mỹ” và thỏa thuận giảm chi tiêu là cần thiết.
Dự luật nhận được 165 phiếu thuận từ các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện và 149 phiếu thuận từ đảng Cộng hòa của ông McCarthy. Dự luật này được chuyển đến Thượng viện với đảng Dân chủ chiếm đa số. Nó cần được thông qua và đưa đến bàn Tổng thống Biden vào 5/6 để tránh viễn cảnh Mỹ vỡ nợ.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Dusty Johnson chia sẻ với Reuters rằng kết quả cuộc bỏ phiếu chứng minh nhận định ông McCarthy không thể đạt được thỏa thuận với Tổng thống là sai lầm.
Nghị sĩ Marjorie Taylor Greene thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ nhận xét: “Chủ tịch McCarthy đã làm một công việc tuyệt vời. Tôi cho rằng ông ấy đã chứng minh được nhiều lần bản thân đạt được thành công vượt dự đoán và vượt kỳ vọng của mọi người”.
Trong cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos vào tháng 5 với các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa trên toàn nước Mỹ, có 44% người tham gia cho biết họ ủng hộ kết quả làm việc của ông McCarthy, cao hơn mức 29% dành cho lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.
Theo nội dung dự luật được Hạ viện thông qua, mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD sẽ được duy trì trong hai năm, đến ngày 1/1/2025. Điều này được cho sẽ tạo ra tranh cãi khác ở thời điểm vài tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Trong bối cảnh nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho rằng việc hạn chế chi tiêu ngân sách trong dự luật mới được Hạ viện thông qua là chưa đủ, ông McCarthy nhấn mạnh nó mới chỉ là “một bước khởi đầu”.
Thỏa thuận này tạo được ảnh hưởng trong kiềm chế nợ quốc gia như yêu cầu của đảng Cộng hòa đồng thời không phải quay về mức giảm thuế thời cựu Tổng thống Donald Trump – đúng như điều Tổng thống Biden mong muốn.
Dự luật 99 trang có nội dung hạn chế chi tiêu trong 2 năm tới và sửa đổi một số chính sách, trong đó có áp đặt yêu cầu mới đối với người cao tuổi Mỹ nhận hỗ trợ thực phẩm và bật đèn xanh cho đường dẫn khí tự nhiên Appalachia mà nhiều thành viên đảng Dân chủ phản đối. Việc nâng trần nợ công sẽ đảm bảo cho việc Bộ Tài chính có thể vay để chi trả cho các khoản nợ.
Một báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ công bố hôm 30/5 cho thấy các hạn chế chi tiêu tùy ý trong thỏa thuận có thể làm giảm thâm hụt của Mỹ 1,5 nghìn tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2033. Ông McCarthy đã ca ngợi đây là mức “cắt chi tiêu lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.