Sau khi giải Nobel Vật lý 2024 tôn vinh hai nhà khoa học tiên phong về AI là John Hopfield và Geoffrey Hinton, nhiều người đã dự đoán rằng công nghệ này cũng sẽ xuất hiện trong danh sách giải Nobel Hóa học.
Một trong những ứng viên sáng giá cho giải năm nay là ông John Jumper - Giám đốc công ty Google DeepMind, và ông Demis Hassabis - Giám đốc điều hành (CEO) Google DeepMind. Bộ đôi nhà khoa học này đã phát triển Alphafold, một mô hình AI có khả năng dự đoán cấu trúc ba chiều của protein dựa trên chuỗi amino acid. Công trình của họ đã làm thay đổi cách thức nghiên cứu sinh học trên toàn cầu và được Clarivate - một tổ chức nổi tiếng với việc dự đoán các ứng cử viên tiềm năng cho giải thưởng Nobel - đánh giá là một trong những khám phá mang tính đột phá.
Chuyên gia phân tích hàng đầu của Clarivate - ông David Pendlebury cho biết tuy báo cáo nghiên cứu của hai nhà đồng sáng lập Google DeepMind chỉ mới được công bố vào năm 2021, nhưng "số lượng trích dẫn khổng lồ từ dự án này đã báo hiệu rõ ràng về cuộc cách mạng trong khoa học". Ông thừa nhận rằng việc trao giải Nobel cho một nghiên cứu mới xuất bản là khá hiếm, nhưng sự tác động mạnh mẽ của công trình này khiến đây trở thành ứng viên sáng giá cho giải Nobel.
Bên cạnh lĩnh vực AI, nhà khoa học Mỹ gốc Jordan Omar Yaghi cũng là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Ông Yaghi đã phát triển loại khung kim loại - hữu cơ (MOF) - vật liệu xốp có khả năng tùy chỉnh, được sử dụng để hấp thụ chất độc, khử ô nhiễm và thậm chí chiết xuất nước từ không khí sa mạc. Phát minh của ông đã có mặt trong các sản phẩm thương mại và được biên tập viên khoa học của Đài phát thanh Thụy Điển Lars Brostrom nhận định rằng vật liệu này "đã có ứng dụng thực tiễn và đã đến lúc được trao giải Nobel".
Nếu ông Yaghi không được lựa chọn, nhà hóa sinh người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) Chi-Huey Wong, có thể giành giải nhờ các phương pháp sinh hóa đột phá trong ngành dược phẩm. Trong lĩnh vực này, ông Robert Langer - chuyên gia hóa học người Mỹ và là một trong những nhà khoa học được trích dẫn kết quả nghiên cứu nhiều nhất thế giới - cũng là ứng viên sáng giá.
Ông Karl Deisseroth, nhà tâm thần học và thần kinh học người Mỹ - cũng đã được đề cử liên tục trong suốt một thập kỷ qua nhờ những đóng góp cho quang di truyền học (optogenetics) - công nghệ sử dụng ánh sáng để điều khiển tế bào.
Ngoài những tên tuổi nổi bật nêu trên, các nhà khoa học như Roberto Car và Michele Parrinello (cùng là người Italy) được đề cử cho giải Nobel Hóa học với phương pháp Car-Parrinello giúp tính toán động lực học phân tử. Đây là công trình đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hóa học lý thuyết.
Trong những năm trước, các nhà khoa học James J. Collins, Michael Elowitz (cùng là người Mỹ) và Stanislas Leibler (người Pháp) cũng từng được đề cử nhờ nghiên cứu về mạch gene tổng hợp - nền tảng của sinh học tổng hợp. Nữ giáo sư Zhenan Bao thuộc trường Đại học Stanford (Mỹ) cũng từng được nhắc đến với những phát minh về da điện tử nhân tạo, cho phép phát triển các mạch điện tử co giãn và pin linh hoạt.
Giải Nobel Hóa học năm 2023 đã được trao cho Moungi Bawendi (người Pháp gốc Tunisia), Louis Brus (người Mỹ) và Alexei Ekimov (người Nga) vì những đóng góp của họ trong việc phát triển chấm lượng tử. Đây là các hạt siêu nhỏ có tính chất độc đáo, đặc biệt là khả năng phát sáng khi được kích thích bằng ánh sáng, và chúng đã mở ra các ứng dụng quan trọng trong công nghệ như màn hình TV và đèn LED. Công trình của họ đã giúp nâng cao các ứng dụng trong công nghệ hình ảnh và hiển thị.