Nóng trong tuần: Mối nguy khủng bố bao trùm Âu-Mỹ; Tín hiệu lạc quan cho Gaza

Tuần qua diễn ra các sự kiện đáng chú ý như gia tăng nguy cơ khủng bố sau vụ tấn công tại Moskva (Nga); tàu hàng đâm sập cầu tại cảng đông đúc nhất nước Mỹ; tín hiệu lạc quan cho Dải Gaza sau nghị quyết yêu cầu ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; khủng hoảng y tế Hàn Quốc ngày thêm trầm trọng và LHQ cảnh báo tình hình tại Haiti.

Mối nguy khủng bố bao trùm Âu-Mỹ sau vụ tấn công Moskva

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tấn công ở Moskva, Nga, ngày 26/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần qua, vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại tổ hợp biểu diễn và thương mại Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva đã làm thế giới chấn động. Vụ xả súng từ một nhóm gồm 4 đối tượng đã khiến 143 người thiệt mạng và 80 người bị thương. Giới chức Nga cho biết đã bắt giữ 12 đối tượng tình nghi, trong đó 8 đối tượng bị buộc "các tội danh liên quan khủng bố" vì vai trò trong vụ tấn công này.

Đáng chú ý, nhóm ISIS- K (hay IS-K, Nhà nước Hồi giáo tại Khorasan), một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã nhận trách nhiệm và công bố video thực hiện vụ tấn công.

Theo các nhóm chuyên gia phân tích, vụ thảm sát ngày 22/3 như một lời nhắc nhở mới nhất về tham vọng tàn bạo của nhóm khủng bố IS, khi giờ đây các chi nhánh khu vực của chúng thực hiện “các hoạt động trả thù” trên khắp thế giới.

Ngày 26/3, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), ông Alexander Bortnikov cho biết nguy cơ khủng bố trên lãnh thổ nước này vẫn còn hiện hữu.

Trong khi đó, các chuyên gia chống khủng bố bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tấn công đẫm máu ở Moskva và Iran có thể tạo động lực cho ISIS-K tăng cường nỗ lực tấn công ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, Đức, Bỉ, Anh và các quốc gia khác.

Chính quyền một loạt nước châu Âu đồng loạt nâng cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố. Trong khi Italy lên tiếng về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố tương tự vụ xả súng gây ra thảm sát ở Moskva, Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất còn ở Đan Mạch cảnh báo khủng bố đã áp sát mức cao nhất.

Tại Mỹ, các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh nội địa nước nayg vẫn cảnh giác, nỗ lực xác định và ngăn chặn các âm mưu tiềm ẩn của ISIS-K. Theo các chuyên gia chống khủng bố, sử dụng các chiến thuật được cải tiến trong thời kỳ nhóm IS hoạt động mạnh nhất, ISIS-K tìm cách truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công sói đơn độc và cực đoan hóa các cá nhân ở Mỹ.

Cảnh báo thiệt hại chuỗi cung ứng sau vụ sập cầu Mỹ

Chú thích ảnh
Tàu container Dali treo cờ Singapore đã bất ngờ chết máy đâm thẳng vào cột trụ của cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 26/3, tàu container Dali treo cờ Singapore đã bất ngờ chết máy khi đang ra khỏi bến cảng Baltimore để hướng đến Sri Lanka và đâm thẳng vào cột trụ của cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ). Gần như toàn bộ cây cầu thép này đã đổ sập chỉ trong vài giây, khiến nhiều người và phương tiện đang lưu thông trên cầu rơi xuống sông. Hai người bị thương và 6 người được cho là đã thiệt mạng. Vụ sập cầu cũng làm tê liệt một trong những cảng thương mại đông đúc nhất nước Mỹ.

Hiện tại, các nhà chức trách Mỹ đã bắt đầu triển khai công tác dọn dẹp và khắc phục sự cố sập cầu Francis Scott Key. Ngày 28/3, Thống đốc bang Maryland Wes Moore cho biết lực lượng công binh của lục quân đang di chuyển chiếc cần cẩu lớn nhất bờ biển phía Đông đến Baltimore để hỗ trợ xử lý thảm họa.

Hãng tin Bloomberg cho biết vụ việc có thể giáng một đòn mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang mong manh do hạn hán ở kênh đào Panama và các cuộc tấn công trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen. Trong cuộc họp báo ngày 27/3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg nói tác động đối với chuỗi cung ứng sẽ không hề nhỏ. Nhà chức trách ước tính hàng hóa đi qua cảng đạt giá trị 100 - 200 triệu USD/ngày, và 8.000 việc làm liên quan trực tiếp đến hoạt động của cảng. Bên cạnh đó, các cảng ở bang New Jersey và Virginia cũng đang đối mặt nguy cơ tắc nghẽn do các phương tiện phải chuyển hướng tránh đi qua Baltimore.

Tín hiệu lạc quan cho Gaza sau nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại HĐBA LHQ

Chú thích ảnh
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza. Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của 14 ủy viên HĐBA, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cho tháng lễ Ramadan, tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nghị quyết cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho toàn bộ các con tin.

Ngay sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết, Israel đã rút phái đoàn đàm phán tại Doha về nước. Ngoài ra, Israel còn tăng cường không kích Rafah, khiến hơn chục người thiệt mạng. Các cuộc không kích đã làm dấy lên lo ngại một cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể sắp xảy ra tại nơi ẩn náu cuối cùng của hơn một triệu người Palestine ở rìa phía nam Dải Gaza này.

Tuy nhiên, đến cuối tuần, tình hình có vẻ lạc quan hơn khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý cử đoàn đàm phán tới Ai Cập và Qatar để nối lại vòng đàm phán về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và trao đổi con tin với phong trào Hồi giáo Hamas.
Không chỉ vậy, Israel còn muốn sắp xếp lại các cuộc đàm phán ở Washington để thảo luận về một cuộc tấn công có thể xảy ra ở thành phố Rafah tại Gaza theo yêu cầu từ Mỹ.

Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã kéo dài hơn 5 tháng qua ở Gaza, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang đẩy người dân Palestine đến bờ vực nạn đói.

Cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại khi chưa thể khắc phục tình trạng thiếu thốn lương thực thực phẩm, thuốc men và trang thiết bị y tế.

Hàn Quốc chao đảo vì bác sĩ, tài xế xe buýt đình công

Chú thích ảnh
Các giáo sư y khoa biểu tình phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của Chính phủ tại trường Đại học Hàn Quốc ở Seoul ngày 25/3/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tuần này, nhiều giáo sư y khoa Hàn Quốc đã tham gia làn sóng đình công cùng các y bác sĩ nội trú và thực tập kéo dài hơn 1 tháng qua. Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 25/3, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cho biết các giáo sư y khoa của 19 trong số 40 trường y trên toàn quốc đã ký một tuyên bố chung phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của Chính phủ và thông báo bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc ngay trong ngày. Động thái trên cho thấy căng thẳng y tế kéo dài hơn một tháng qua ở Hàn Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt bất chấp nỗ lực kêu gọi đối thoại của Chính phủ.

Về phần mình, Bộ Y tế Hàn Quốc khẳng định kế hoạch cải cách y tế mà chính phủ triển khai là vì nhân dân và không phải chủ đề đưa ra đàm phán, qua đó bác bỏ lời kêu gọi của cộng đồng y khoa nước này về việc điều chỉnh kế hoạch nâng đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y.

Cũng trong tuần qua, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã chứng kiến cuộc tổng đình công của các tài xế xe buýt đòi tăng lương giờ làm thêm. Mặc dù cuộc đình công kết thúc nhanh chóng khi nghiệp đoàn lao động xe buýt Seoul và các chủ lao động đã đạt được thỏa thuận về mức tăng lương song hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô đã tạm gián đoạn vào giờ cao điểm buổi sáng 28/3 khi gần 98% dịch vụ xe buýt tại Seoul ngừng hoạt động.

Hội đồng Chuyển tiếp Haiti cam kết khôi phục trật tự hiến pháp

Trong tuyên bố chính thức đầu tiên kể từ khi công bố thành lập, Hội đồng Tổng thống Chuyển tiếp, có nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển đổi chính trị ở Haiti, tuyên bố sẽ khôi phục trật tự hiến pháp và dân chủ tại quốc gia Caribe này.

Hội đồng Chuyển tiếp đang hoàn thiện các khâu cuối cùng về tổ chức và phương thức hoạt động, bao gồm một thỏa thuận chính trị minh bạch giữa các cơ quan liên quan, để thực hiện một kế hoạch hành động rõ rằng nhằm khôi phục trật tự và dân chủ, đảm bảo an ninh cho tính mạng và tài sản của người dân, tổ chức bầu cử tự do và triển khai những cải cách cần thiết.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) mới đây cho biết khoảng 1,4 triệu người Haiti đang đối mặt với nạn đói và hơn 4 triệu người cần viện trợ lương thực. Nhiều người Haiti chỉ ăn một bữa mỗi ngày hoặc hoàn toàn không có thực phẩm.

Trong khi đó, chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng Haiti hiện cần từ 4.000-5.000 cảnh sát quốc tế để giúp giải quyết bạo lực băng nhóm đang nhằm vào các cá nhân, bệnh viện, trường học, ngân hàng và các tổ chức quan trọng khác. Theo báo cáo của Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ, trong năm 2023, số người thương vong do bạo lực băng nhóm tại Haiti đã tăng mạnh, trong đó 4.451 người thiệt mạng và 1.6 người bị thương. Kể từ đầu năm nay đến ngày 22/3 vừa qua đã có 1.554 người thiệt mạng và 826 người bị thương.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Bộ trưởng Quốc phòng Israel muốn thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình Arab tại Gaza
Bộ trưởng Quốc phòng Israel muốn thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình Arab tại Gaza

Bộ trưởng Quốc phòng Israel đang thúc đẩy thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm binh sĩ từ 3 quốc gia Arab để bảo vệ các đoàn xe viện trợ tại Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN