Theo cuộc thăm dò do Ipsos thực hiện, cứ 10 người Mỹ được hỏi thì có 7 người cho biết dân chủ đã suy giảm trong những năm gần đây, trong khi 73% những người tham gia thăm dò ý kiến có cùng quan điểm ở Pháp. Tại Anh, hơn 6 trong số 10 người được hỏi nói rằng nền dân chủ đang hoạt động kém hiệu quả hơn 5 năm trước.
Kết quả cho thấy tâm lý lo lắng lan rộng về tình trạng dân chủ trước các cuộc bầu cử quan trọng ở Mỹ, Anh và EU trong năm tới, cũng như những quan điểm trái chiều về Liên minh châu Âu.
Ngoại trừ một số quốc gia như Croatia, Italy, Ba Lan và Thụy Điển, khoảng một nửa số cử tri cho biết họ không hài lòng với cách thức vận hành của nền dân chủ, trong khi đa số đồng ý với quan điểm rằng hệ thống này cần phải có thay đổi căn bản.
Chỉ ở Thụy Điển mới có đa số rõ ràng, 58% nói rằng họ hài lòng với cách thức hoạt động của chính phủ.
Trong số các nước EU, cuộc khảo sát cho thấy những quan điểm trái ngược. Nhiều người được hỏi ở các quốc gia được khảo sát cho biết họ ủng hộ EU, nhưng đa số ở tất cả các quốc gia cho biết họ không hài lòng với tình trạng dân chủ ở cấp EU, trong khi một số người thừa nhận họ cảm thấy có ít ảnh hưởng đối với các quyết định của EU.
Chỉ ở Croatia là sự hài lòng với nền dân chủ ở cấp EU là 26%, cao hơn so với mức trung bình là 21%. Kết quả của cuộc khảo sát sẽ khiến các nhà lãnh đạo EU phải suy nghĩ khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.
Christine Tresignie, Giám đốc điều hành Ipsos khu vực châu Âu, nói: “Những kết quả này cho thấy thách thức chính đối với EU trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024 sẽ là vấn đề thúc đẩy sự ủng hộ liên tục cho dự án của EU nhằm giúp khôi phục nhận thức tích cực về các tổ chức, cơ quan của khối".