Trong một tuyên bố, ông Vunagi khẳng định lệnh giới nghiêm ở thủ đô Honiara từ 19h00 đến 6h00 sáng hôm sau sẽ có hiệu lực từ ngày 26/11 cho đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Australia đã được triển khai đến Honiara theo yêu cầu của Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare. Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng xác nhận nước này đã cử 100 cảnh sát đến quần đảo ở Nam Thái Bình Dương này nhằm hỗ trợ chính quyền sở tại sớm ổn định tình hình. Nước láng giềng Papua New Guinea cũng điều 35 cảnh sát và nhân viên an ninh tới thủ đô Honiara trong ngày 26/11.
Bộ Y tế Solomon thông báo các bệnh viện tại thủ đô đã đóng cửa, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh và những đối tượng quá khích chấm dứt các hành động đốt phá, cướp bóc. Lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông người biểu tình tìm cách xông vào tư dinh của Thủ tướng Sogavare ở thủ đô.
Các phương tiện truyền thông đưa tin các cuộc biểu tình của người dân ở Malaita - hòn đảo đông dân nhất của Quần đảo Solomon - nổ ra từ tối 24/11 nhằm phản đối một loạt vấn đề trong nước và yêu cầu Thủ tướng Sogevare từ chức. Tuy nhiên, ông khẳng định tiếp tục lãnh đạo quốc gia và đề nghị Australia hỗ trợ theo hiệp ước an ninh song phương được hai bên ký kết vào năm 2017.
Năm 2003, cảnh sát Australia đã được triển khai đến Quần đảo Solomon thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo tuyên bố của Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương và duy trì sự hiện diện tại đây trong một thập kỷ. Trong giai đoạn 1998-2003, tình hình tại Quần đảo Solomon có nhiều bất ổn và xảy ra xung đột vũ trang.