Theo tờ Bloomberg, Chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Narenda Modi đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn bao giờ hết từ thành viên các nước thuộc nhóm “Bộ tứ Kim cương” (QUAD) – gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia. Những quốc gia này đang thúc đẩy Nga tiến tới lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Sau khi gặp Thủ tướng Modi tại New Delhi hôm 19/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi các quốc gia nỗ lực hợp tác, đồng thời nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã “làm lung lay trật tự toàn cầu”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ấn Độ chỉ nhắc đến các vấn đề kinh tế.
Thủ tướng Modi dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với người đồng cấp Australia Scott Morrison vào hôm 21/3. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland - người điều phối phản ứng của Mỹ với Ukraine - dự kiến sẽ đến thăm New Delhi vào cuối tuần này.
Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí Nga lớn nhất thế giới, cho biết các thoả thuận quân sự với Moskva là điều cần thiết để đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới với Trung Quốc và nước láng giềng khác là Pakistan. Ngoài ra, theo nguồn tin thân cận với tình hình, Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng cho biết các lựa chọn thay thế vũ khí Nga là quá đắt đỏ.
Ấn Độ đang vận hành hơn 250 chiếc máy bay chiến đấu Su-30 MKi do Nga sản xuất, 7 tàu ngầm lớp Kilo và khoảng 1.200 chiếc xe tăng T-90 của Nga. Tất cả các vũ khí này đều hoạt động tốt trong một thập kỷ nữa. Ấn Độ cũng đã ký kết hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD với Nga, bao gồm một chiếc tàu ngầm hạt nhân và các khẩu đội hệ thống phòng không S-400.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Bà Manjari Chatterjee Miller - thành viên cấp cao về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - cho biết, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa, 70% khí tài quân sự của Ấn Độ đều được mua từ Nga. Bà cũng nói thêm rằng Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào việc cung cấp các bộ phận, bảo trì và nâng cấp vũ khí từ Nga.
Chi phí thay thế toàn bộ thiết bị quân sự của Nga là một vấn đề khó khăn với Ấn Độ. Toàn bộ ngân sách quốc phòng của New Delhi giai đoạn 2021-2022 là 70 tỉ USD. Trong khi kế hoạch mua 114 máy bay chiến đấu để bổ sung và thay thế máy bay cũ của Nga, ước tính tiêu tốn của Ấn Độ khoảng 15 tỉ -18 tỉ USD, ngay cả khi chúng được sản xuất trong nước.
Ông Ian Hall - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith, tác giả của cuốn sách “Modi và sự phát minh lại chính sách đối ngoại của Ấn Độ - giải thích: “New Delhi cũng thiếu các lựa chọn thay thế các hệ thống quân sự, như các nền tảng phòng không mà họ không thể dễ dàng mua được từ những nhà cung cấp khác”.
Mặc dù ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Ukraine, nhưng Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ và các đồng minh đã tìm cách tránh rạn nứt công khai với Ấn Độ.
Điều này phần lớn do Ấn Độ vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc. Sau các cuộc đụng độ ở dãy Himalaya, Thủ tướng Modi đã điều quân và vũ khí của Nga tới các điểm nóng quan trọng. Ấn Độ cũng đã thay đổi luật để hạn chế các công ty và đầu tư của Trung Quốc, cấm hơn 300 ứng dụng di động liên kết với Trung Quốc và cắt giảm thị thực cho các doanh nhân nước này khi tình trạng bất ổn ở biên giới leo thang.
“Hiện tại, Ấn Độ là một đối tác an ninh thực sự quan trọng của chúng ra”, ông Donald Lu, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Nam và Trung Á, cho biết tại Thượng viện Mỹ hôm 2/3, khi được hỏi liệu Ấn Độ có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt vì mua vũ khí của Nga hay không.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực tiến lên phía trước trong mối quan hệ đối tác đó. Nhưng gần đây Ấn Độ đã ký nhiều thoả thuận mua máy bay chiến đấu MiG-29, trực thăng và vũ khí chống tăng của Nga. Tôi hy vọng trước những lời chỉ trích mà Nga đang phải đối mặt, Ấn Độ sẽ thấy rằng đã đến lúc phải tự tiến xa hơn.”
Một trong những nguyên nhân khác là Ấn Độ cũng muốn hạn chế Nga trở nên thân thiết hơn với Pakistan. Điều này có nhiều khả năng xảy ra nếu Chính phủ New Delhi cùng các đồng minh của Mỹ tham gia lên án Nga.
Tháng trước, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã dẫn đầu phái đoàn đầu tiên của đất nước tới Moskva sau hai thập kỷ, ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Pakistan khi Moskva tìm cách nâng cao vị thế trong khu vực, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Pakistan là nước mua vũ khí lớn thứ 8 thế giới trong giai đoạn 2017-2021, trong đó một phần nhỏ nhập khẩu từ Nga. Theo ông Richard M. Rossow, nhà nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ấn Độ lo ngại rằng việc mua thêm vũ khí của Nga có thể “mang lại lợi thế về chất cho Pakistan”.
Tuy nhiên, Ấn Độ khó có thể duy trì một “vị trí thực sự trung lập” mà không khiến Mỹ và các nước QUAD khác xa lánh, đặc biệt khi Nga coi sự hiện diện của New Delhi là “sự ủng hộ thầm lặng”, chuyên gia Miller của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.
“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine không chỉ là cuộc khủng hoảng giới hạn về mặt địa lý ở khu vực châu Âu mà không ảnh hưởng đến Ấn Độ. Nó có ý nghĩa đối với tương lai của trật tự thế giới”, bà Millernói.