Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Theo hãng tin CNA, độ tuổi nghỉ hưu cuối cùng vẫn chưa được nêu rõ, nhưng một thông tin chính thức trước đó cho rằng có khả năng là khoảng 65 tuổi. Điều này sẽ đưa tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc cao ngang với các nền kinh tế lớn khác, bao gồm cả Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, ở mức 60 đối với nam giới và 55 đối với phụ nữ lao động trí óc hoặc 50 đối với lao động chân tay.
Giới chức đã cân nhắc cải cách kế hoạch nghỉ hưu của Trung Quốc trong nhiều năm. Nhưng tính cấp thiết hiện tại đang phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động của tình trạng dân số giảm và già hóa đối với quỹ lương hưu đang dần cạn kiệt của đất nước này.
Vài năm trước, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán quỹ dành riêng để trang trải chi phí nghỉ hưu ở Trung Quốc có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035. Và việc tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ kéo dài quỹ này thêm nhiều năm nữa.
Song các chuyên gia lo ngại đây không phải là giải pháp lâu dài và không giải quyết được vấn đề nhân khẩu học cơ bản nghiêm trọng mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông Dudley L Poston Jr, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Texas A&M, nói với The Conversation: “Tôi đã nghiên cứu dân số Trung Quốc trong hơn 40 năm. Tôi tin rằng vấn đề nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà đất nước này phải đối mặt trong nhiều thế kỷ”.
Với tỷ lệ sinh là 1,1 trẻ em trên một phụ nữ - thấp hơn nhiều so với 2,1 ca sinh trên một phụ nữ cần thiết để duy trì dân số bản địa - và số ca tử vong mỗi năm nhiều hơn số ca sinh, Trung Quốc sẽ còn đối mặt với tương lai dân số giảm, với số người cao tuổi tăng mạnh.
"Quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học
Năm 1950, dân số của Trung Quốc ở mức 539 triệu người. Sau đó, con số này tăng lên hàng năm trong gần 70 năm, đạt 1,43 tỷ người vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, Trung Quốc có số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh và dân số đã suy giảm. Hơn nữa, dự báo dân số của Liên hợp quốc cho thấy nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 1 tỷ vào năm 2070, dưới 800 triệu vào năm 2086 và xuống còn 633 triệu vào năm 2100.
Giới chức lưu ý tình trạng suy giảm dân số mạnh mẽ này sẽ phá huỷ lực lượng lao động của đất nước này, gây ra những vấn đề kinh tế không thể kể xiết.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là sụt giảm về tổng số dân, đáng lo ngại hơn là thay đổi về cách cấu thành dân số. Theo số liệu của Liên hợp quốc, vào năm 2023, chỉ dưới 20% dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc nằm trong nhóm nghỉ hưu. Nhưng đến năm 2100, con số này dự kiến sẽ tăng lên mức cao đáng kinh ngạc là hơn 52%.
Dữ liệu cũng cho thấy hiện tại, khoảng 12% dân số Trung Quốc là lao động trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 29, trong khi 46% là lao động từ 30 đến 59 tuổi. Nhưng đến năm 2100, lực lượng lao động này dự kiến sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 7% đối với lao động trẻ và khoảng 29% đối với những người từ 30 đến 59 tuổi.
Tương tự, số lượng trẻ em và thanh niên ở Trung Quốc (nhóm dưới 19 tuổi) sẽ giảm từ 21% vào năm 2023 xuống còn 11% vào năm 2100.
Nhìn chung, các dự báo đều không cho thấy tín hiệu tốt về tương lai dân số của Trung Quốc. Nước này sẽ có ít người lao động hơn để hỗ trợ số lượng người phụ thuộc ngày càng tăng, chủ yếu là người cao tuổi.
Tìm kiếm giải pháp lâu dài
Giới chuyên gia cho rằng kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ chỉ có tác động nhỏ đến việc giảm bớt các vấn đề liên quan đến xu hướng này. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không giúp Trung Quốc làm chậm quá trình suy giảm dân số và sẽ chỉ có tác động nhỏ đến tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người nghỉ hưu.
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh, nhưng dường như đều không hiệu quả.
Cụ thể, nước này đã thay thế chính sách 1 con được áp dụng từ năm 1980 bằng chính sách phổ cập 2 con vào năm 2016 và đến năm 2021, mỗi cặp vợ chồng được phép sinh 3 con. Tuy nhiên, thay đổi chính sách dường như không giúp ích gì khi ngày càng nhiều người trì hoãn kết hôn và vẫn do dự về việc có con trong bối cảnh chi phí ngày càng tăng, lối sống đa dạng cùng sự phổ biến về nữ quyền.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần một môi trường xã hội thân thiện hơn để khuyến khích các gia đình có thêm con.
Ông Hu Zhan, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Phúc Đán, nhận định: “Việc nới lỏng các chính sách sinh sản và các biện pháp khuyến khích sinh sản sẽ không mang lại sự thay đổi lớn về số lượng sinh tuyệt đối. Vấn đề là xã hội cần hỗ trợ nhiều hơn đối với các bà mẹ và trẻ em”.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng có thể học hỏi nhiều quốc gia lớn trên thế giới có tỷ lệ sinh rất dựa vào người nhập cư quốc tế để bổ sung lao động trẻ. Những người nhập cư trẻ này cũng sinh nhiều con hơn người dân địa phương.