Thách thức và cơ hội của Nga trong cuộc đua khai thác đất hiếm

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt về các khoáng sản công nghệ chiến lược, Nga đang đối mặt với cả cơ hội lẫn thách thức để vươn lên trở thành một cường quốc trong lĩnh vực đất hiếm.

Chú thích ảnh
Phôi iridium - một vật liệu quý giá trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao và khoa học. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik, Nga sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học. 

Tuy nhiên, toàn bộ nguồn khoáng sản đất hiếm của Nga vẫn chưa được khám phá và những vùng rộng lớn ở Siberia giàu khoáng sản vẫn chưa được khai thác. Trong khi mỗi năm, Cơ quan Địa chất Nhà nước lại phát hiện thêm hàng chục mỏ khoáng sản mới. Theo ước tính của Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đất Liên bang (Rosnedr) vào năm 2024, Nga có khoảng 28,7 triệu tấn đất hiếm, bao gồm 18 mỏ lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Con số này chiếm hơn 20% trong tổng số 130 triệu tấn dự trữ của thế giới.

Tuy nhiên, sản lượng đất hiếm của Nga hiện nay chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng toàn cầu, trong khi hoạt động chế biến đất hiếm của Nga gần như không có. Vì vậy, Rosnedr cho rằng Nga có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga dự báo sản lượng và tiêu thụ đất hiếm sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, nhờ vào chiến lược quốc gia nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong khai thác loại khoáng sản quan trọng này.

Nga cần đất hiếm cho các ngành công nghiệp hạt nhân, quốc phòng, dầu khí (đã tiêu thụ 830 tấn lanthanum, yttrium và các khoáng chất khác trong năm 2023), năng lượng tái tạo (200 tấn), thủy tinh và quang học (100 tấn) cũng như ngành điện tử (100 tấn).

Với thị trường đất hiếm toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi giá trị lên gần 11 tỷ USD vào năm 2030, các công ty Nga tham gia khai thác như Rosatom, Rostec, Norilsk Nickel, Gazprom, cũng như các công ty khu vực có cơ hội nhận được một phần lợi nhuận trên thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển ngành đất hiếm. Một trong những khó khăn lớn là khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi các nhà máy chế biến lớn của Liên Xô giờ đây không còn hoạt động.

Các nhà máy chế biến trước đây được xây dựng ở Kazakhstan (hiện không sản xuất), Kyrgyzstan và Estonia (hiện thuộc sở hữu của công ty khai thác Canada). Thêm vào đó, vị thế thống trị công nghệ và thị trường của Trung Quốc (chiếm 60% sản lượng và 90% công suất chế biến) càng khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn.

Việc khai thác đất hiếm cũng gặp nhiều khó khăn, vì quặng đất hiếm có thành phần phức tạp và các khoáng chất quý thường bị lẫn với các nguyên tố có hại hoặc vô giá trị, khiến cho quá trình khai thác trở nên tốn kém và đòi hỏi công nghệ tiên tiến.

Để thúc đẩy sản xuất, Nga đã triển khai các biện pháp như giảm thuế khai thác đất hiếm từ 8% xuống 4,8%, đồng thời cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất hỗ trợ từ nhà nước.

Rosatom, công ty hàng đầu trong ngành đất hiếm của Nga, dự báo sản lượng sẽ đạt 2.700 tấn vào năm 2025 và 7.500 tấn vào năm 2030. Trước đây, nhà máy Magie Solikamsk của Rosatom tại Perm, được xây dựng vào những năm 1930, từng chiếm gần như toàn bộ sản lượng đất hiếm của Nga.

Ngoài ra, Nga còn sở hữu nhiều mỏ lớn chứa khoáng sản hiếm và chiến lược - chẳng hạn mỏ Tomtorskoye ở Yakutia, được phát hiện vào năm 1977 và có khoảng 3,2 triệu tấn oxit; mỏ Kolmozerskoye ở Murmansk, được phát hiện vào những năm 1950 và chứa tới 844.000 tấn oxit liti và các loại quặng khác.

Các địa điểm khác có nồng độ khoáng sản cao bao gồm khu khai thác Zashikhinskoye, mỏ khí đốt Kovytka chưa khai thác, mỏ dầu Yaraktinskoye, tất cả đều nằm ở Irkutsk; mỏ liti Polmostundrovskoye ở Murmansk; mỏ Zavitinskoye ở Transbaikal; dự án khai thác Tyrnyauz ở Kabardino-Balkaria; dự án Kongor-Chrome ở Yamalia và mỏ Saranovskoye ở Perm.

Có thể thấy, Nga đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong ngành đất hiếm, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức để vươn lên thành một cường quốc trong lĩnh vực này.

Hải Vân/Báo Tin tức
Mỹ từng vận động công ty đất hiếm ở Greenland không bán dự án cho Trung Quốc
Mỹ từng vận động công ty đất hiếm ở Greenland không bán dự án cho Trung Quốc

Vào năm 2024, các quan chức Mỹ và Đan Mạch từng vận động Tanbreez Mining, công ty khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Greenland, không bán dự án cho các công ty có liên hệ với Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN