Theo mạng tin Oilprice.com ngày 21/8, trong những năm gần đây, một cuộc đua toàn cầu đã diễn ra nhằm củng cố chuỗi cung ứng các nguyên tố đất hiếm - thành phần thiết yếu cho sản xuất năng lượng sạch và các công nghệ tiên tiến như pin xe điện, tấm pin mặt trời, và điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, mặc dù tên gọi là "đất hiếm", các nguyên tố này thực ra không hiếm như người ta nghĩ, mà thách thức lớn lại nằm ở việc khai thác và chế biến chúng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trung Quốc, quốc gia đã nắm giữ vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đang đối mặt với những thay đổi lớn trên thị trường khi giá các nguyên tố đất hiếm giảm mạnh.
Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược thâu tóm nguồn tài nguyên đất hiếm trong nhiều năm qua. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, Trung Quốc hiện khai thác 70% quặng đất hiếm và chế biến tới 90% quặng đất hiếm trên toàn thế giới. Bắc Kinh cũng là nhà sản xuất duy nhất trên quy mô lớn các quặng đất hiếm nặng, một thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ cao cấp. Điều này đạt được nhờ "nhiều thập kỷ đầu tư của nhà nước, kiểm soát xuất khẩu, lao động giá rẻ và tiêu chuẩn môi trường thấp".
Sự thống trị này của Trung Quốc không chỉ tạo ra ưu thế lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn cho phép nước này kiểm soát thị trường và tác động đến các đối thủ cạnh tranh. Các quốc gia khác, bao gồm cả những nước phát triển, đang lo ngại về phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Trung Quốc có thể đã tính toán sai lầm khi giá đất hiếm giảm mạnh trong năm 2024 do tình trạng cung vượt cầu. Theo báo cáo từ tờ Japan Times, giá các nguyên tố đất hiếm đã giảm đáng kể trong 7 tháng đầu năm 2024, với giá oxit dysprosi và oxit terbi giảm lần lượt 32% và 26%, trong khi giá oxit neodymium và oxit praseodymium giảm khoảng 15%.
Mặc dù có suy đoán rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các giao dịch mua lớn để dự trữ các nguyên tố này, điều đó đã không xảy ra, khiến giá cả tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm. Điều này đã tạo ra khó khăn cho các nhà sản xuất đất hiếm, buộc họ phải dự trữ và chờ đợi phục hồi thị trường.
Việc Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh giá giảm cho thấy một xu hướng lớn hơn về cung vượt cầu các sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc. Gia tăng xuất khẩu đất hiếm thêm 7,5% so với năm trước đã gây áp lực lớn lên thị trường quốc tế. Các nhà phân tích thị trường dự báo rằng giá đất hiếm sẽ phục hồi, nhưng điều này không xảy ra ngay lập tức. Tăng trưởng nhu cầu dài hạn trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng như xe điện và tua bin gió có thể sẽ giúp giá đất hiếm tăng trở lại.