Nhà Trắng ngày 9/1 tuyên bố chưa nhận được yêu cầu nào từ chính phủ Brazil liên quan đến cựu Tổng thống Bolsonaro. Nhưng hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá sự hiện diện của ông Bolsonaro trên đất Mỹ đẩy Tổng thống Joe Biden vào vị trí khó xử.
Cách đây 2 năm, sau khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cảnh tượng tại thủ đô Brazil ngày 8/1 được cho có nhiều tương đồng với vụ việc ở Mỹ.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người đánh bại ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử vào tháng 10/2022, cam kết sẽ đưa những kẻ chịu trách nhiệm liên quan đến vụ việc 8/1 ra trước công lý. Tổng thống Lula da Silva đồng thời cáo buộc người biểu tình cố gắng lật đổ chế độ dân chủ. Tổng thống Lula cáo buộc ông Bolsonaro chịu trách nhiệm cho bạo lực ngày 8/1. Ông Bolsonaro trong khi đó phủ nhận kích động người ủng hộ và cho rằng người biểu tình đã “vượt qua ranh giới”.
Ông Bolsonaro mất đi sự bảo vệ khỏi bị truy tố khi mãn nhiệm tổng thống. Những cuộc điều tra có thể dẫn đến việc ông bị bắt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã chỉ trích vụ bạo loạn ngày 8/1 tại Brazil. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Brazil hôm 9/1, nhà lãnh đạo Mỹ Biden đã ngỏ lời mời ông Lula da Silva đến Washington vào đầu tháng 2.
Ông Bolsonaro vào ngày 9/1 đã nhập viện viện tại Orlando (Mỹ) do đau bụng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN Brasil, ông Bolsonaro cho biết bản thân có ý định ở Mỹ cho đến cuối tháng 1 tuy nhiên hiện lên kế hoạch quay trở lại Brazil sớm để gặp bác sĩ riêng.
Theo Reuters, nếu Tổng thống Biden vẫn để ông Bolsonaro ở lại Mỹ, ông sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, việc trục xuất cựu tổng thống của một quốc gia đồng minh, người đã nhập cảnh vào Mỹ một cách thiện chí với thị thực hàng đầu đặt ra những câu hỏi khó xử.
Hạ nghị sĩ Joaquin Castro nói với CNN ngày 8/1: “Ông Bolsonaro không nên ở Florida”. Theo ông Castro, nên đưa ông Bolsonaro về Brazil. Một nguồn thạo tin của Reuters cho biết Washington sẽ không đưa ra quyết định về thị thực của ông Bolsonaro cho đến khi nắm được rõ ràng hơn về điều đã xảy ra.
Cựu đại sứ Mỹ tại Panama, ông John Feeley nhận định rằng mối đe dọa trước mắt đối với ông Bolsonaro liên quan đến thị thực. Ông Feeley nói: “Mỹ có thể trục xuất một người nước ngoài vì bất cứ lý do nào, ngay cả khi người này nhập cảnh hợp pháp với thị thực”.
Nguồn tin của Reuters cho biết ông Bolsonaro có thể nhập cảnh Mỹ bằng thị thực A-1 dành cho các nguyên thủ, nhà ngoại giao và quan chức chính phủ khác. Thông thường thị thực A-1 sẽ bị hủy sau khi người sở hữu mãn nhiệm. Tuy nhiên, ông Bolsonaro đã rời Brazil trước khi kết thúc nhiệm kỳ, do vậy có khả năng khi đó thị thực A-1 vẫn có hiệu lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết bất cứ ai nhập cảnh vào Mỹ bằng thị thực A-1 nhưng không tham giao vào công việc chính thức sẽ phải rời Mỹ trong vòng 30 ngày hoặc nộp đơn thay đổi tình trạng lưu trú. Ông Price bổ sung: “Nếu một cá nhân không có căn cứ để ở Mỹ thì Bộ An ninh nội địa có thể trục xuất người này”.
Ông Bolsonaro có thể không quá vội vã trong việc quay trở lại Brazil nơi ông bị buộc tội xúi giục phong trào bạo lực phản đối kết quả bầu cử. Trong trường hợp thẩm phán Tòa án tối cao Brazil Alexandre de Moraes ký lệnh bắt giữ khi ông Bolsonaro vẫn ở Mỹ thì cựu tổng thống này sẽ được yêu cầu bay trở về Brazil và tự trình diện cảnh sát. Nếu ông Bolsonaro từ chối, Brazil có thể ban hành lệnh truy nã đỏ của Interpol dẫn đến lực lượng liên bang Mỹ bắt giữ ông này.