Theo thông tin từ cổng News.az của Azerbaijan ngày 2/11, cuối năm nay, Chính phủ Nga và Trung tâm Xuất khẩu Nga (REC) sẽ công bố chiến lược quảng bá hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài với thương hiệu "Sản xuất tại Nga" (Made in Russia).
Sáng kiến này do Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng phi tài nguyên sang các nước đồng minh và đối tác. Thương hiệu mới được kỳ vọng sẽ khẳng định chất lượng sản phẩm và vị thế của Nga trên thị trường thế giới.
Những năm gần đây, hoạt động ngoại thương của Nga đã có nhiều thay đổi do các lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập kinh tế từ phương Tây. Tuy nhiên, Nga đã vượt qua áp lực bằng cách tăng cường quan hệ với nhiều đối tác mới. Theo số liệu của Trung tâm Xuất khẩu Nga, tỷ lệ xuất khẩu phi tài nguyên sang các nước thân thiện đã tăng từ 60% năm 2021 lên 86% năm 2024.
Hiện nay, các đối tác chính của Nga gồm Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước ở châu Phi cùng châu Mỹ Latinh. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp Nga bù đắp sự sụt giảm trong thương mại với phương Tây.
Nga đặc biệt thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và máy móc. Nước này đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc và dầu mỏ. Ngoài xuất khẩu nguyên liệu thô, Nga còn đẩy mạnh các sản phẩm chế biến có giá trị cao.
Chương trình "Sản xuất tại Nga" cũng chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, dược phẩm và vận tải. Nga đã chứng tỏ năng lực trong an ninh thông tin, bảo vệ cơ sở hạ tầng và các giải pháp kỹ thuật số. Nhiều nước đã tin tưởng giao cho Nga thực hiện các dự án lớn như đường ống, nhà máy điện hạt nhân và hệ thống tàu điện ngầm.
Việc tạo ra và thúc đẩy thương hiệu "Made in Russia" nhằm mục đích xây dựng hình ảnh tích cực về các sản phẩm của Nga ở nước ngoài. REC lưu ý rằng chương trình sẽ không chỉ thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ mà còn giới thiệu các khía cạnh văn hóa và giá trị của Nga. Thương hiệu quốc gia này được kỳ vọng sẽ tượng trưng cho chất lượng cao, độ tin cậy và an toàn.
Các kế hoạch quảng bá hàng hóa bao gồm triển lãm dưới một thương hiệu thống nhất tại các hội chợ quốc tế lớn, triển lãm thương mại chuyên dụng, chiến dịch thông tin mở rộng, cử đại sứ thương hiệu và triển khai gian hàng trưng bày. Ngoài ra, các hình thức giao dịch trực tuyến giữa các doanh nghiệp cũng được lên kế hoạch để thúc đẩy các mối quan hệ mới với các công ty nước ngoài.
Moskva đang đặt kỳ vọng lớn vào khu vực Nam toàn cầu - một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa và dịch vụ của Nga. Nga sẵn sàng cung cấp cho các nước đang phát triển các giải pháp toàn diện để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của họ, cũng như các dịch vụ giáo dục, y tế và CNTT.
Mặc dù các lệnh trừng phạt năm 2022 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng Nga đã thích nghi tốt. Theo Cục Hải quan Liên bang Nga, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2024 đạt 278 tỷ USD, gần bằng cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga cũng đang tích cực tham gia xuất khẩu. Họ chủ yếu cung cấp các mặt hàng kim loại, thiết bị, sản phẩm cao su, thiết bị điện và hóa chất.
Theo nhà kinh tế Oleg Abeleev, Nga sẽ tập trung phát triển các ngành công nghệ cao như vi điện tử, máy móc lập trình và phần mềm. Điều này sẽ giúp các công ty Nga cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới.
Về phần mình, Olga Magomedova, nhà phân tích tại Viện Kinh tế và Tài chính Quốc tế, cho rằng việc Nga quảng bá thành công trên thị trường toàn cầu sẽ không chỉ đòi hỏi sự phụ thuộc vào các danh mục xuất khẩu truyền thống mà còn phải tăng cường các sản phẩm đại chúng. Những hàng hóa như vậy có thể thu hút người tiêu dùng nước ngoài và tạo ra sự quan tâm bền vững đối với thương hiệu "Sản xuất tại Nga".