Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), tại những khu vực này, lũ lụt đã lên đến mức thảm khốc, trong đó các nước như CH Chad, Niger và Nigeria nằm trong số những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, chiếm hơn 80% số người bị ảnh hưởng.
Văn phòng này cho biết thêm hơn 1.000 người đã thiệt mạng và ít nhất 740.000 người đã phải di dời. Ngoài ra, hàng trăm nghìn ngôi nhà, hơn 100 trường học và hàng chục cơ sở y tế đã bị hư hại. Gần 500.000 mẫu đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng.
OCHA nhấn mạnh nếu không hỗ trợ đầy đủ, lũ lụt sẽ cản trở việc mở cửa trở lại các trường học tại khu vực trên trong bối cảnh năm học mới sẽ bắt đầu trong tháng này và cũng có thể khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực hiện tại trầm trọng hơn, đặc biệt là ở CH Chad và Niger.
Văn phòng trên lưu ý rằng điều kiện sống bấp bênh của những người bị ảnh hưởng do lũ lụt cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nước sinh hoạt, chẳng hạn như bệnh tả hiện đang lây lan ở nhiều khu vực của Niger và Nigeria. Các đối tác nhân đạo đã được huy động và đang hỗ trợ những khu vực trên ứng phó với lũ lụt, bao gồm hỗ trợ lương thực và y tế, tuy nhiên các nỗ lực này vẫn còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính.
Cũng theo OCHA, quyền Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) Joyce Msuya đã phân bổ 35 triệu USD từ Quỹ Ứng phó với tình trạng khẩn cấp trung ương của LHQ để cứu trợ lũ lụt ở CH Chad, Niger, Nigeria, CHDC Congo và CH Congo. Bên cạnh đó, bà Msuya cũng đã phân bổ 5 triệu USD từ quỹ này để mở rộng quy mô ứng phó với lũ lụt ở các bang Borno, Bauchi và Sokoto của Nigeria. Các quỹ mới trên sẽ giúp các đối tác nhân đạo tiếp cận và hỗ trợ thực phẩm, nước sạch, đồ vệ sinh cũng như nơi trú ẩn cho 280.000 người ở những bang trên, đồng thời giúp huy động nhanh chóng các nguồn lực để cải thiện khả năng tiếp cận của những bang này đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả và các bệnh khác lây truyền qua nước sinh hoạt.