Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm nhiều khí tài, đạn dược và thiết bị quân sự hiện đại.
Trong thông báo, Tổng thống Biden tái khẳng định việc hỗ trợ Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Phần lớn trong tổng số viện trợ nói trên, tức 5,5 tỷ USD, sẽ được phân bổ trước khi kết thúc năm tài chính của Mỹ vào ngày 30/9. Trong khi đó, số tiền 2,4 tỷ USD được phân bổ theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền Mỹ mua khí tài để viện trợ cho Ukraine từ các công ty, thay vì từ kho dự trữ của Mỹ.
Gói viện trợ này bao gồm việc lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine một quả bom lượn dẫn đường chính xác có tên là Joint Standoff Weapon, với tầm bắn lên tới 130 km.
Gói viện trợ này cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không, thiết bị bay không người lái và cũng như nhiều loại đạn dược khác.
Theo kế hoạch viện trợ này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ giúp tân trang và cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa Patriot.
Tổng thống Biden cũng yêu cầu Lầu Năm Góc mở rộng chương trình huấn luyện cho phi công của Ukraine để có thể vận hành máy bay F-16, trong đó có kế hoạch hỗ trợ huấn luyện thêm 18 phi công vào năm tới.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine vào tháng tới tại Đức, để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 quốc gia là đồng minh của Ukraine.
Ông Biden đưa ra thông báo về gói viện trợ trên trước thềm cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào lúc 16h00 giờ GMT ngày 26/9, tức 23h00 cùng ngày giờ Việt Nam.
Xem video Triều Tiên cho rằng việc Mỹ viện trợ quân sự trị giá 8 tỷ USD cho Ukraine là "một sai lầm không thể tin nổi" và "đùa với lửa" trước một cường quốc hạt nhân như Liên bang Nga. Nguồn: Reuters
Phản ứng về việc này, trong một tuyên bố đưa ra ngày 29/9, Triền Tiên cho rằng việc Mỹ viện trợ quân sự trị giá 8 tỷ USD cho Ukraine là "một sai lầm không thể tin nổi" và "đùa với lửa" trước một cường quốc hạt nhân như Liên bang Nga.
Reuters dẫn tuyên bố được đăng tải bởi hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cho rằng Washington đang làm leo thang xung đột Ukraine và đẩy cả châu Âu đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo bà Kim Yo Jong, việc giúp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục "cuộc phiêu lưu quân sự" là một canh bạc nguy hiểm và vô trách nhiệm, đồng thời tuyên bố rằng việc thông báo hỗ trợ quân sự mới trị giá 8 tỷ USD là "một sai lầm không thể tin nổi".
Bà Kim Yo Jong nhấn mạnh là Mỹ và phương Tây không nên coi thường hay đánh giá thấp cảnh báo nghiêm túc của Liên bang Nga, đồng thời đặt câu hỏi rằng: "Bộ máy lãnh đạo Mỹ và phương Tây liệu có thực sự đủ khả năng để đối phó với hậu quả khi họ liều lĩnh đùa với lửa trước Liên bang Nga, một cường quốc hạt nhân?"
Liên quan tới việc này, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi bất kỳ quốc gia nào và mọi cuộc tấn công thông thường vào Liên bang Nga được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung.
Phát biểu khai mạc cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 25/9 với sự tham gia của các quan chức cấp cao, Tổng thống Putin cho biết trong chương trình nghị sự có một vấn đề liên quan đến việc cập nhật nền tảng của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.
Theo ông Putin, cùng với học thuyết quân sự, đây là tài liệu chính thức định nghĩa và chi tiết hóa chiến lược hạt nhân của Liên bang Nga. Trước hết, nó xác định nguyên tắc cơ bản về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cụ thể là việc sử dụng lực lượng hạt nhân là biện pháp cực đoan để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Ông Putin cho rằng tình hình quân sự, chính trị hiện tại đang thay đổi một cách nhanh chóng và phải lưu ý đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa quân sự và rủi ro mới đối với Liên bang Nga cũng như đối với các đồng minh của Moskva.
Xem video Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin nói về các điều kiện để Moskva chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân. Nguồn: Reuters
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cho biết thêm phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân có đề xuất rằng bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại Moskva từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung nhằm vào Liên bang Nga.
Ông Putin nhấn mạnh: “Các điều kiện để Liên bang Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân cũng được xác định rõ ràng. Chúng tôi sẽ xem xét khả năng này ngay khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ và sự xâm nhập qua biên giới đất nước của chúng tôi, bao gồm của các máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái, tên lửa siêu thanh và các loại phương tiện hàng không khác".
Bên cạnh đó, ông Putin cũng cho biết Liên bang Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc Belarus bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí thông thường.
Ông Putin nói: "Chúng tôi bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga và Belarus, với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh. Tất cả những vấn đề này đã được thỏa thuận với phía Belarus và Tổng thống Belarus. Điều này bao gồm cả các trường hợp kẻ thù sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của chúng tôi".
Tổng thống Putin nói rằng các điều chỉnh đề cập ở trên đã được cân nhắc kỹ lưỡng và phù hợp với các mối đe dọa quân sự hiện đại mà Liên bang Nga đang phải đối mặt.