Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đề cập đến Albedo - một hiệu ứng xảy ra khi tia nắng mặt trời chiếu vào một bề mặt và những tia này được quay trở lại không gian vũ trụ. Hiệu ứng này ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu theo một cách nhất định. Các nhà khoa học chỉ rõ ở một số địa điểm khi mật độ cây dày đặc lại khiến ít ánh sáng Mặt Trời được phản xạ trở lại vũ trụ, tức Albedo thấp đi và hành tinh theo đó hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Bà Susan Cook-Patton, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, khẳng định việc phục hồi độ che phủ của cây dẫn đến những thay đổi về Albedo, song cho đến nay không có công cụ nào tính đến điều này.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng các dự án không tính đến Albedo, song đưa ra đánh giá hiệu quả quá cao lợi ích khí hậu từ hoạt đông trồng thêm cây chiếm từ 20 đến 80%.
Trong nghiên cứu này các nhà khoa học cũng công bố một bản đồ mới xác định những vị trí tốt nhất để tái trồng rừng và làm mát hành tinh. Bà Cook-Patton, nhà khoa học phục hồi rừng cấp cao tại The Nature Conservancy, đánh giá những bản đồ mới cũng cung cấp các công cụ giúp các nhà hoạch định chính sách xác định nơi tốt nhất để tập trung nguồn lực hạn chế nhằm đạt được hiệu quả tối đa bảo vệ khí hậu.
Albedo được xác định cao nhất ở các khu vực đóng băng của thế giới, trong đó tuyết và băng sạch giống như gương có hiệu suất Albedo lên tới 90% năng lượng Mặt Trời. Đây là một trong những tác nhân làm mát chính của Trái Đất, cùng với đất đai và đại dương hấp thụ nhiệt dư thừa và khí thải nhà kính gây nóng lên hành tinh.
Các môi trường ẩm ướt, nhiệt đới như Amazon và lưu vực Congo có khả năng lưu trữ carbon cao và đây cũng là nơi có Albedo thay đổi thấp, khiến chúng trở thành địa điểm lý tưởng để phục hồi độ che phủ rừng. Trong khi đó, các vùng đồng cỏ ôn đới và hoang mạc thì ngược lại.
Bà Cook-Patton nói rằng ngay cả các dự án ở những địa điểm tốt nhất có thể cũng mang lại hiệu quả làm mát ít hơn 20% so với ước tính khi tính đến những thay đổi đối với Albedo.
Theo bà Cook-Patton, việc phục hồi rừng mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho con người và hành tinh, chẳng hạn như hỗ trợ hệ sinh thái và cung cấp nước sạch, không khí sạch. Tuy nhiên, bà cho rằng không thể trồng cây ở khắp mọi nơi do con người không có đủ tài chính, thời gian, tài nguyên, nhân lực hoặc cây giống. Do đó, bà nhấn mạnh rằng cần tận dụng tối đa các khoản đầu tư hạn chế và thu được lợi ích khí hậu lớn nhất trên mỗi hécta đầu tư.