Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức chung, đồng thời nắm bắt các cơ hội để mang lại lợi ích cho tất cả người dân trong khu vực.
Thủ tướng Albanese và các nhà lãnh đạo ASEAN đã vạch ra lộ trình cho việc phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài giữa ASEAN và Australia nhằm thúc đẩy một khu vực cởi mở, toàn diện và minh bạch, với ASEAN nằm ở vị trí trung tâm.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ những khát vọng chung cho tương lai của khu vực, cam kết hợp tác với nhau để góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình cũng như sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia xác định một loạt lĩnh vực hợp tác thực tế trong tương lai, từ việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế và văn hóa-xã hội đến việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục và môi trường. Những kết quả này càng củng cố cam kết của Australia đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và khối ASEAN nói riêng cả trong hiện tại và tương lai.
Để minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc và lâu dài của Australia với ASEAN cũng như những ưu tiên của Chính phủ Australia trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Đông Nam Á, ngày 6/3, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Albanese tuyên bố: Thành lập Trung tâm ASEAN-Australia tại Canberra, trung tâm này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2024, trở thành đầu mối gắn kết Australia với ASEAN và thúc đẩy sự hiểu biết của Australia về văn hóa Đông Nam Á; Cung cấp hơn 75 suất học bổng Aus4ASEAN mới, một vài trong số đó sẽ do các trường đại học của Australia đồng tài trợ, và 55 suất học bổng dành cho các nhà lãnh đạo mới nổi trong khu vực để giúp họ có điều kiện tiếp cận nền giáo dục Australia đẳng cấp thế giới; Cung cấp “Gói hợp tác năng lượng” trong khuôn khổ “Sáng kiến Tương lai Aus4ASEAN” nhằm tăng cường chính sách năng lượng khu vực do ASEAN dẫn dắt, trong đó có việc triển khai “Chiến lược ASEAN về Trung hòa Carbon”. Gói hợp tác này sẽ hỗ trợ Trung tâm Năng lượng ASEAN và việc thành lập Trung tâm Biến đổi Khí hậu ASEAN tại Brunei; Đào tạo tiếng Anh cho Timor Leste để hỗ trợ nước này trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN. Gói này sẽ hỗ trợ các hoạt động đào tạo quan trọng để giúp Timor Leste tham gia hiệu quả vào ASEAN.
Thủ tướng Albanese cũng nhắc lại cam kết của Australia trong việc tăng cường thương mại và đầu tư hai chiều với ASEAN nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và hiện thực hóa lợi ích kinh tế cho tất cả người dân trong khu vực. Chính phủ của Thủ tướng Albanese đã nhắc lại việc công bố một số sáng kiến nhằm thực hiện các khuyến nghị chính từ kế hoạch “Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040” được công bố hồi năm ngoái, gồm: Thành lập Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD (1,3 tỷ USD) để xúc tiến đầu tư của Australia vào khu vực trong các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch;
Mở rộng sáng kiến Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng của Australia nhằm hỗ trợ các nỗ lực cải thiện phát triển cơ sở hạ tầng khu vực và thu hút nguồn tài chính cơ sở hạ tầng đa dạng, chất lượng hơn; Chỉ định “10 Quán quân kinh doanh” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên kết thương mại lớn hơn giữa Australia và các nền kinh tế ASEAN, đảm bảo chính phủ và khu vực tư nhân hoạt động đồng bộ để thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều;
Thành lập các mô hình hỗ trợ (landing pad) mới trong khu vực tại Jakarta (Indonesia) và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) để thúc đẩy xuất khẩu công nghệ của Australia và hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực; Cải thiện khả năng tiếp cận thị thực cho Đông Nam Á, với việc gia hạn thị thực du lịch doanh nghiệp từ 3 năm lên 5 năm và giới thiệu dòng khách du lịch thường xuyên, cung cấp thị thực 10 năm cho các quốc gia thành viên ASEAN đủ điều kiện. Điều này phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Australia đang mở cửa kinh doanh; Công bố việc thiết lập các trung tâm khu vực cho các nhóm giao dịch đầu tư tại Singapore, Jakarta và Thành phố Hồ Chí Minh; Phái đoàn kinh doanh đầu tiên trong khuôn khổ Sàn giao dịch kinh doanh Australia-Đông Nam Á sẽ tới Singapore và Malaysia vào tháng 4 tới để tập trung vào việc chuyển đổi năng lượng xanh.
Chính phủ của Thủ tướng Albanese cũng công bố mở rộng các sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch và hợp tác hàng hải thiết thực, bao gồm: Triển khai giai đoạn tiếp theo của Quan hệ đối tác Mekong-Australia để tăng cường sự tham gia của Australia vào tiểu vùng sông Mekong nhằm giải quyết các thách thức chung, bao gồm an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia; Đầu tư 64 triệu AUD để tăng cường Quan hệ Đối tác Hàng hải Đông Nam Á của Australia. Điều này sẽ mở rộng hợp tác hàng hải của Australia với các đối tác trong khu vực và góp phần đảm bảo an ninh, thịnh vượng của khu vực, phù hợp với ưu tiên của các nước Đông Nam Á; Đầu tư 10 triệu AUD vào Năng lượng sạch và Khí hậu trong khuôn khổ Quỹ Đối tác Australia và Đông Nam Á được công bố vào năm 2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Albanese bày tỏ vinh dự khi được đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN và Timor Leste tại Melbourne nhân dịp hai bên kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác giữa ASEAN và Australia. Thủ tướng Albanese khẳng định ASEAN giúp gắn kết khu vực và mối quan hệ đối tác ASEAN-Australia chưa bao giờ mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả cho sự thịnh vượng chung và sự ổn định của khu vực như hiện nay.
Ông cho biết Australia cam kết trở thành một đối tác mẫu mực của các quốc gia Đông Nam Á. Australia sẽ tiếp tục hợp tác với sự tôn trọng, trung thực và tin cậy, và quan trọng là lắng nghe. Ông khẳng định các nền kinh tế của ASEAN và Australia có mối quan hệ gắn bó sâu sắc với nhau. Australia mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong việc theo đuổi cơ hội, phát triển và tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á. Chính phủ Australia coi việc can dự nghiêm túc, lâu dài và kiên định trên trường quốc tế là ưu tiên hàng đầu, hợp tác với các bạn bè và đối tác để định hình tương lai mà tất cả mọi người mong muốn.