WB: Các nền kinh tế Trung Đông-Bắc Phi sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2022

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, trong báo cáo công bố ngày 14/4, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định các nền kinh tế ở Trung Đông-Bắc Phi (MENA) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2022, ghi dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 2016, nhờ giá dầu cao hơn, nhưng cuộc chiến Ukraine và các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ làm gia tăng sự bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực này.

Chú thích ảnh
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bandar Abbas, Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

WB dự báo khu vực MENA sẽ ghi nhận sự phục hồi không đồng đều, giữa lúc giá dầu gia tăng và tỷ lệ tiêm chủng cao đang có lợi cho các nước xuất khẩu dầu trong khu vực. Báo cáo của WB nêu rõ: "Các nước sản xuất dầu sẽ được hưởng lợi từ giá dầu leo thang và tỷ lệ tiêm chủng cao, trong khi các nền kinh tế yếu trong khu vực bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn cầu, diễn biến khó đoán định của dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đà leo thang của giá lương thực đang dẫn đến các nguy cơ lạm phát cho toàn bộ khu vực".

Giá dầu, vốn đã tăng % trong năm ngoái nhờ đà phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến, đã trở nên cực kỳ bất ổn trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu Brent đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2022 tới nay, sau khi giảm từ mức cao nhất trong 14 năm qua là gần 140 USD/thùng vào tháng trước.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GPP) ở các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ đạt 4,5% trong năm 2022, nhờ giá dầu cao hơn, nhưng sẽ không phục hồi trở lại các mức trước đại dịch cho đến năm 2023.

Định chế tài chính đa phương toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ) cũng cho rằng áp lực lạm phát do dịch COVID-19 gây ra đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine khi nhiều nước trong khu vực phụ thuộc chủ yếu vào lương thực nhập khẩu, nhất là lúa mì, từ cả Nga và Ukraine. Các quốc gia như Ai Cập phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine. Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với Nga và Ukraine chiếm 86% trong tổng giá trị nhập khẩu lúa mì 2,7 tỷ USD năm 2020 của nước này.

Liên quan đến dịch COVID-19, chỉ một phần ba số quốc gia tại MENA có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, với các nước vùng Vịnh (ngoại trừ Oman) ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng trung bình 75,7%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Algeria và Iraq chỉ đạt khoảng 13-17% dân số. Yemen và Syria có tỷ lệ tiêm chủng ở mức một con số, do đó các nước này có thể sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả về kinh tế và sức khỏe trong tương lai gần.

WB cũng cho rằng "mức độ hậu quả đầy đủ" của cuộc chiến Ukraine vẫn chưa được xác định, song những dấu hiệu ban đầu cho thấy các nền kinh tế MENA, đặc biệt là các nước nhập khẩu dầu mỏ có thu nhập trung bình, đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn. Theo dự dự báo của WB, 11 trong số 17 nền kinh tế ở MENA sẽ không phục hồi trở lại các mức trước đại dịch COVID-19 trong năm nay.

Nguyễn Trường  (TTXVN)
Ai Cập, Đức đề cao quan hệ song phương trong duy trì ổn định Trung Đông - Bắc Phi
Ai Cập, Đức đề cao quan hệ song phương trong duy trì ổn định Trung Đông - Bắc Phi

Ngày 12/2, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã thảo luận với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, đang ở thăm nước này, về mối quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN