Báo cáo tình hình mới nhất của WHO nêu rõ do hạn chế tiếp cận xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ở các vùng xa xôi nên chỉ có khoảng 40% trong tổng số các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh được tiến hành xét nghiệm từ đầu năm đến nay, tăng từ mức 9% trong năm ngoái. Trong số này, khoảng 55% cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho rằng tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ tại Congo trong năm 2024 dự kiến vào khoảng 0,5% trong số các trường hợp đã xác nhận bệnh (25 ca tử vong trong số 5.160 trường hợp) và 3,3% trong số các trường hợp nghi ngờ, cả đã xét nghiệm và chưa xét nghiệm (717 ca tử vong trong số 21.835 trường hợp). Ba quốc gia báo cáo nhiều ca nghi ngờ mắc bệnh nhất kể từ đầu năm đến ngày 8/9 là CHDC Congo, tiếp theo là Burundi (1.489 ca nghi ngờ, không có ca tử vong) và Nigeria (935 ca nghi ngờ, không có ca tử vong).
Hiện có 2 chủng gây bệnh đậu mùa khỉ, mỗi chủng có biến thể a và b. WHO cho biết các chủng và biến thể này đang lưu hành ở các khu vực địa lý khác nhau và ảnh hưởng đến các nhóm dân cư khác nhau, do đó cần tiến hành các biện pháp đối phó phù hợp với tình hình tại địa phương.
Về tình hình cung cấp vaccine toàn cầu, WHO cho biết đã có hơn 3,6 triệu liều vaccine được cam kết trên toàn cầu, trong đó có hơn 620.000 liều vaccine MVA-BN của các nước Mỹ, châu Âu và nhà sản xuất Bavarian Nordic. Đến nay, 265.000 liều MVA-BN đã được chuyển đến Kinshasa, trong khi 10.000 liều đã được chuyển đến Nigeria. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết cung cấp 3 triệu liều vaccine LC16.
Giữa tháng 8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của lục địa (PHECS). Ngay sau đó, WHO cũng ban bố bệnh đậu mùa khỉ là trình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), lần cảnh báo thứ 2 về dịch bệnh này trong 2 năm qua.