Những người được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 vẫn bị nhiễm biến thể Delta (được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và có tốc độ lây nhiễm cao hơn 40-60% so với virus gốc), nhưng các quan chức y tế toàn cầu cho biết vaccine đã bảo vệ hầu hết họ khỏi bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12/7: “Có nhiều báo cáo cho biết nhiều người tiêm chủng đầy đủ đã nhiễm virus, đặc biệt là nhiễm biến thể Delta. Nhưng phần lớn trong số này mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng”.
Theo bà Swaminathan, số ca nhập viện đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới, chủ yếu là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và đang bị biến thể Delta tấn công.
Tại Mỹ, các quan chức cho biết hầu như tất cả các ca nhập viện và tử vong do COVID-19 gần đây đều xảy ra ở những người không được tiêm chủng. Tình trạng lây nhiễm “vượt rào” (xảy ra ở những người đã tiêm đủ vaccine) là hiếm, và theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 75% người nhập viện hoặc tử vong vì COVID sau khi tiêm vaccine là trên 65 tuổi.
“Biến thể Delta đang tấn công khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, gây gia tăng đột biến về số ca mắc và tử vong. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng chịu những đòn tấn công giống nhau”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Chúng ta đang ở giữa một đại dịch hai chiều, nơi những người có và không có [vaccine] ở trong và giữa các quốc gia đang gia tăng khác biệt”.
Ông Ghebreyesus nói rằng biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng và lây nhiễm sang những người không được bảo vệ bởi vaccine và dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, bà Swaminathan cảnh báo rằng những người đã tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 và truyền bệnh cho những người khác. Đó là lý do tại sao các quan chức của WHO kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. “Nhưng chắc chắn tiêm vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong của bạn”, bà Swaminathan khẳng định.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng có lượng virus ít hơn nhiều so với những người không được tiêm chủng, làm giảm nguy cơ truyền virus cho người khác. Các quan chức của WHO cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu tác động của vaccine đối với khả năng lây truyền virus.
Tại Israel, theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, được tờ Times of Israel trích dẫn, trên 60% người nhập viện do COVID-19 đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng hầu hết họ ở độ tuổi trên 60. Chỉ có 1/61 bệnh nhân Israel nhập viện do COVID-19 rơi vào tình trạng nghiêm trọng là người đã tiêm chủng ở độ tuổi dưới 60. Không có trường hợp nào đã tiêm đầy đủ ở tuổi dưới 50 bị các triệu chứng nặng khi mắc COVID-19.
Đến nay, có trên 56% người Israel đã được tiêm chủng đầy đủ, trên 90% người trên 60 tuổi được tiêm cả hai mũi Pfizer. Ngày 18/7, có 6.598 ca nhiễm mới tại Israel, nhưng chỉ có 121 ca nhập viện, 61 ca bị nặng và 14 ca cần thở máy.
Biến thể Delta được cho là đã vượt qua hàng rào miễn dịch do vaccine tạo ra thành công hơn các biến thể trước đó. Bộ Y tế Israel đầu tháng 7 công bố báo cáo cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 64% trong phòng lây nhiễm trước biến thể Delta, nhưng vẫn có hiệu quả 93% trong ngăn các ca nhập viện và triệu chứng nặng.