Ngoài 8 HCB và 4 HCĐ, đội tuyển điền kinh đã giành thêm 5 HCV nhờ công của các vận động viên (VĐV) Trịnh Công Luận ở nội dung ném lao hạng thương tật F56; Phạm Nguyễn Khánh Minh ở nội dung chạy 400 m hạng thương tật T12; Ngô Xuân Đoàn ở nội dung nhảy cao hạng thương tật T/F44; Vương Châu ở nội dung ném đĩa hạng thương tật F42; và Nguyễn Thị Hải ở nội dung ném lao hạng thương tật F57. Như vậy, tính đến hết ngày 3/8, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành được tổng cộng 14 HCV, 17 HCB và 9 HCĐ, chỉ còn cách chỉ tiêu đặt ra 2 HCV.
HCV thứ 6 trong ngày của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đến từ môn cử tạ, nhờ công của đô cử Nguyễn Văn Hùng ở nội dung 72 kg. Trong khi đó, ở trận chung kết hạng cân 59 kg, Nguyễn Thanh Xuân và Nguyễn Văn Phúc đã mang về 1 HCB và 1 HCĐ. Như vậy, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra với tổng cộng 5 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ, trong khi còn một trận chung kết ở phía trước.
Đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam đã giành thêm 4 HCB ở các nội dung 100 bơi tự do, 100 m bơi bướm, 100 m bơi ngửa, và bơi tiếp sức 4x100m hỗn hợp nam, trong khi đội tuyển bóng bàn giành thêm 3 HCĐ ở các nội dung đôi nam hạng thương tật TT5, đôi nam hạng thương tật TT8, và đôi nam nữ hạng thương tật TT9.
Trên bảng xếp hạng, đoàn VĐV khuyết tật nước chủ nhà Indonesia đang đứng đầu (87 HCV, 66 HCB, 50 HCĐ), đoàn Thái Lan đứng thứ hai (63 HCV, 56 HCB, 39 HCĐ).
ASEAN Para Games 11 được tổ chức từ ngày 30/7 - 6/8 tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java của Indonesia gồm có 14 môn thể thao với 907 nội dung, quy tụ 1.286 vận động viên. Các nội dung thi đấu tại đại hội được tổ chức ở 3 địa điểm gồm thành phố Surakarta, huyện Karanganyar và thành phố Semarang.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam với 153 thành viên, trong đó có 120 vận động viên, tham gia tranh tài ở 8/14 môn (gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo, bắn cung) và phấn đấu góp mặt trong nhóm dẫn đầu đại hội với chỉ tiêu thành tích đề ra là 35 - 40 HCV.