Ông Lê Hồng Cường, Tổng Giám đốc CTCP bóng đá B.Bình Dương, cho biết điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các CLB, khó khăn cho kế hoạch từ nay đến hết năm 2021 về cả vấn đề chuyên môn, kinh phí hoạt động cũng như câu chuyện hợp đồng với cầu thủ và tài trợ của đội bóng.
Ông Lê Hồng Cường cho rằng tại sao Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và VFF lại không tổ chức một cuộc họp trực tuyến với tất cả các CLB để lắng nghe tất cả các bên đưa ra ý kiến thảo luận, góp ý cho vấn đề.
Ông Cường nói: “Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã nêu lên ý kiến rằng tại sao không tổ chức cho tất cả 27 CLB trong nước tham gia họp trực tuyến để có thể ghi nhận tất cả các ý kiến để nắm bắt hết tình hình. Lúc đó chỉ họp trực tuyến riêng mỗi các đội bóng tại V-League.
Tuy nhiên, sau đó khi ghi nhận ý kiến từ phiếu thăm dò thì VPF lại tổng hợp cả những đội bóng cả V-League lẫn hạng Nhất với nhau để đưa ra quyết định.
Điều này không phù hợp vì V-League và hạng Nhất tính chất khác nhau. Bên cạnh đó, quyền biểu quyết tại VPF cho vấn đề dựa theo số đông của cổ phần tại Công ty VPF nên quyết định đưa ra không dựa trên tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề xuất từ mỗi CLB. Không riêng gì CLB B.Bình Dương mà rất nhiều CLB không hài lòng trước việc VPF đưa ra kết luận từ phiếu thăm dò rồi cho rằng đa số đồng ý với phương án và giữ nguyên phương án đó”.
Ông Lê Hồng Cường cho rằng vẫn biết bối cảnh này không thể có những giải pháp tối ưu nhưng cũng phải hài hòa lợi ích và đừng đẩy khó khăn về phía các CLB.
Ông Cường nói: “Nếu tính từ thời điểm tháng 5 khi V-League tạm hoãn cho đến tháng 2 năm sau nghĩa là các đội phải tiếp tục nuôi quân, chờ đợi hơn 10 tháng. Chờ đợi, tốn kém, phát sinh nhưng chưa thể biết trước và cũng không ai có thể thể khẳng định rằng đến tháng 2 năm 2022 liệu có thể tiếp tục giải đấu được hay không?
Hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà bao gồm cả V-League và hạng Nhất và cổ đông cũng chính là tập hợp từ những đội bóng thuộc hệ thống này. Tuy vậy, thực tế mỗi giải đấu đều có cơ chế, quy định và tính chất khác nhau, có những đặc thù riêng.
Các đội bóng V-League thực tế cũng tốn kém tài chính rất nhiều cho mỗi mùa bóng. Bên cạnh đó còn liên quan đến chuyển nhượng, hợp đồng, nhất là cầu thủ ngoại”.
Theo ông Lê Hồng Cường, bây giờ giải đấu nghỉ thêm 6 tháng như thế nhưng nghĩa vụ đúng theo hợp đồng thì phía CLB vẫn phải thực hiện đầy đủ cho cầu thủ. Ngoài ra có những hợp đồng đến thời điểm ngày 31/10/2021 sẽ kết thúc thì CLB cũng rất khó cho việc thương thảo để ký tiếp hay thế nào.
Ông Cường giải thích: “Bởi vì tùy theo điều kiện tài chính của mỗi mùa bóng hay đặc thù chuyên môn mà CLB tính toán chuyện chuyển nhượng hợp đồng. Đặt ví dụ nếu đáo hạn hợp đồng rất khó cho việc ký kết lại với cầu thủ vì chưa thể biết rõ được mùa giải tiếp theo thế nào hay điều kiện tài chính ra sao cũng như yêu cầu về chuyên môn nữa.
Còn nếu chỉ ký thêm 6 tháng chẳng hạn để thi đấu phần còn lại của mùa giải 2021 thì hẳn nhiên cầu thủ sẽ khó mà đồng ý. Bên cạnh đó, với cầu thủ ngoại cũng rắc rối vì nếu cho họ về nước thì khi sang lại cũng khó khăn về điều kiện di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh.
Chưa kể, đến tháng 10 hoặc cuối năm nay họ đáo hạn hợp đồng mà nếu họ về nước mà không trở lại thì mình lại không có nhân sự để thi đấu cho mùa giải năm sau”.
“Về vấn đề kinh phí chi tiêu hàng tháng nếu giải đấu lùi lại đến năm sau cũng đẩy các CLB vào thế khó. Những đội bóng khác tôi không rõ thế nào nhưng riêng CLB B.Bình Dương tính trung bình mỗi tháng phải tốn hơn 3 tỉ đồng cho câu chuyện thực hiện nghĩa vụ với cầu thủ cũng như mọi chi phí sinh hoạt khác. Kế hoạch cho mùa bóng năm nay đã xây dựng như thế, bây giờ phát sinh thì rất khó để trang trải hay giải quyết ổn thỏa được”.
Ông Lê Hồng Cường nhìn nhận: “Đúng ra VPF phải tổ chức cuộc họp trực tuyến với các CLB để có được tiếng nói chung nhất và hài hòa để đi đến sự thống nhất. Hoặc đưa ra những quyết định riêng cho các đội bóng V-League chứ không thể đánh đồng ý kiến của cả giải hạng Nhất để nói rằng có số đông đồng ý như thế.
Chính điều này đã tạo ra những thiệt thòi cũng như không công bằng cho các đội bóng V-League. Chẳng hạn, giải hạng Nhất trở lại thi đấu vào tháng 11/2021 thì tại sao V-League lại không thể tổ chức cùng vào thời điểm đó để V-League hoàn tất trong năm 2021.
Bây giờ cơ quan tổ chức, điều hành cứ mặc định V-League 2021 sẽ trở lại vào tháng 2/2022 thì ai dám chắc thời điểm đó điều kiện an toàn để tiếp tục thi đấu.
Nếu VPF, VFF quyết định đến tháng 2 năm sau tổ chức thi đấu thì ai sẽ là người đảm bảo rằng thời điểm đó giải đấu được diễn ra. Hoặc nếu đến lúc đó, không thể tổ chức được thì trách nhiệm về quyết định này sẽ như thế nào, thuộc về ai và những thiệt hại của các CLB sẽ được nhìn nhận ra sao”.
Đồng quan điểm với lãnh đạo CLB B. Bình Dương, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cũng cho rằng VPF đưa ra những quyết định mà các CLB sẽ chịu nhiều thiệt hại: “Như tôi đã nói ngay từ lúc trước, tại sao VPF không tổ chức họp trực tuyến về vấn đề này. Cùng với đó, việc gộp ý kiến của các đội V-League và hạng Nhất vào với nhau rồi quyết định đưa V-League lùi lại đến tháng 2 năm 2022 là không hợp lý.
VPF và VFF đưa ra quyết định lùi đến tháng 2 năm 2022, nhưng ai dám dám chắc rằng đến tháng 2 năm sau điều kiện thực tế thế nào, có tổ chức được hay không.
Vẫn biết chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nhưng nên nhớ có nền tảng từ mỗi đội bóng thì mới có những yếu tố tốt nhất dành cho ĐTQG. Tóm lại, tính hài hòa cho vấn đề này chưa có và phía CLB đang chịu nhiều thiệt hại khi giải đấu lùi đến tháng 2 năm sau”.
Ông Bùi Xuân Hòa cho biết: “Bây giờ tình hình như thế này, các đội bóng đã cho cầu thủ nghỉ ngơi những những vấn đề về hợp đồng, lương hướng vẫn phải đảm bảo đúng theo ký kết.
Đó còn chưa kể đã bắt đầu phát sinh những khó khăn cho điều này. Thêm 6 tháng chờ đợi sẽ thêm nhiều tổn thất về kinh phí. Chúng ta phải biết được rằng tính chất của giải hạng Nhất và V-League là khác nhau, cho nên không thể đưa ra quyết định như vậy được”.