Edinson Cavani và Alex Telles, hai trong số các tân binh của MU mùa hè này, là những phi vụ được hoàn tất vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè. Thực chất, những cái tên này được Ed Woodward mang về để chữa cháy cho một mùa hè mua sắm chẳng ra gì của Quỷ đỏ.
Sa đà vào Sancho, bỏ lỡ các thương vụ quan trọng
Nói thế không sai, bởi Jadon Sancho, tâm điểm của kế hoạch mua sắm, rốt cuộc đã không đến Old Trafford hè này. Đồng ý, mức giá 108 triệu bảng Dortmund đặt ra cho tài năng 20 tuổi này là một thử thách cho túi tiền của MU. Quá mải mê chờ đợi một phép màu để Sancho kết duyên với sân Old Trafford, ban lãnh đạo MU đã bỏ qua việc tìm các phương án khác vừa tiền và chất lượng hơn.
Ousmane Dembele khước từ lời mời gọi của MU chỉ vì Quỷ đỏ chỉ muốn mượn tuyển thủ người Pháp, thay vì chấp nhận chi ra 45 triệu bảng, con số rẻ hơn nhiều so với thương vụ Sancho. Tương tự, những Douglas Costa, Kingsley Coman được nhắc đến có tiềm năng đến MU theo những lời đồn trên các mặt báo, rồi bay đi khỏi tầm mắt khi phiên chợ mùa hè đi vào những ngày cuối cùng.
Sa đà vào Sancho, MU bỏ lỡ cơ hội nhìn ra đâu là trọng tâm họ cần mua sắm hè này: Cải tổ hàng thủ. Telles đến Old Trafford sau khi MU bỏ qua Sergio Reguillon của Real Madrid. Nhìn Reguillon chơi tuyệt hay ở Old Trafford trong chiến thắng 6-1 của Tottenham, các cổ động viên MU tự hỏi tại sao anh lại chọn màu áo Bắc London, thay vì là một thành viên của Quỷ đỏ. Một trung vệ đáng tin cậy để đá cặp cùng Harry Maguire cũng bị ban lãnh đạo MU khước từ và tất cả đã thấy tác hại của điều ấy sau ba trận đấu mở màn của thầy trò Solskjaer.
Trong khi các ông lớn như Man City hay Chelsea đều mang về những tân binh ở độ tuổi trên dưới 20, những người còn nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn hay ít ra vẫn có thể thu về một khoản tiền nhất định nếu bán lại cho một đội bóng khác, những tân binh MU mua về thì chỉ có Van de Beek ở dạng tiềm năng đang phát triển, trong khi Alex Telles đang ở độ chín sự nghiệp còn Cavani lại là trường hợp bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp. Đó chẳng phải kiểu mua bán của một đội bóng nghiêm túc hướng đến mục tiêu Top 4 hay xa hơn là một danh hiệu nhất định ở mùa này như MU.
Tình trạng mua sắm mất định hướng kéo dài
Chuyện MU mua sắm không có định hướng thật ra đã xuất hiện từ thời Louis van Gaal. Bằng chứng? Radamel Falcao từng đến MU với rất nhiều kỳ vọng sau quãng thời gian như mơ trong màu áo Monaco. Anh cũng là một thương vụ giờ chót của MU, như những gì họ đã thực hiện với Cavani và Telles. Rốt cuộc, những cổ động viên MU nhìn lại cảm thấy may mắn khi đội bóng chỉ mượn Falcao một mùa và chẳng ai còn nghĩ đến việc lúc đó tiền đạo người Colombia có xứng đáng được mua đứt hay không.
Một vấn đề dễ dàng nhìn thấy: Những gì Solskjaer đòi hỏi và những gì ông được nhận hoàn toàn đối lập nhau. Ông cần một trung vệ, một hậu vệ trái, một tiền đạo cánh và một trung phong. Rốt cuộc, ban lãnh đạo MU chỉ đáp ứng một trong bốn gạch đầu dòng kia.
Liệu hậu vệ trị giá 18 triệu bảng kia có phải giải pháp nâng cấp hàng thủ MU? Quá khó. Tính cả thương vụ này, Quỷ đỏ đã đốt gần 300 triệu bảng trong 7 năm để tìm các giải pháp khác nhau cho hàng thủ. Từ Eric Bailly năm 2016, Victor Lindelof cho đến gần nhất là Harry Maguire. Ba cái tên này đã ra sân trong ba trận mở màn của MU mùa này và đều để lại những thảm họa đáng nhớ.
Van de Beek được mang về khá sớm, nhưng chỗ đứng của anh hiện tại chỉ là ít phút vào sân từ ghế dự bị trong cả 3 trận mở màn. Thế nên chẳng có gì đảm bảo những Telles hay Cavani có thể được trọng dụng tức thì. Chừng đó đủ để cho thấy MU mua sắm theo kiểu “người mù”, thiếu tính kết nối, thiếu định hướng cụ thể và chẳng có một kế hoạch lớp lang nào hết.
Đó chẳng phải tín hiệu tốt lành cho Quỷ đỏ trong chặng đường tiếp theo của mùa giải. Không nói đâu xa, hai tuần giông bão đang chờ MU với 5 trận đấu khó nhằn ở Premier League và Champions League. Mua sắm như thế, HLV Solskjaer lại phải cầu nguyện thần may mắn giúp MU bước qua các thử thách.