Tuyển thủ Đoàn Văn Hậu vẫn có mặt tập trung cùng đồng đội. Tuy nhiên, cầu thủ quê lúa Thái Bình vẫn phải tập riêng ở phòng gym theo phác đồ điều trị hồi phục chấn thương.
Thời gian qua, chấn thương của Văn Hậu đã được đề cập khá nhiều. Cũng đã từng có cảnh báo rằng chưa vội cho Văn Hậu ra sân khi chưa thể đánh giá đúng mức nhất về mức độ hồi phục chấn thương thế nào. Thời điểm này, Văn Hậu đã lên tập trung đội tuyển Việt Nam với đôi chân tập tễnh và nẹp ở đầu gối phải.
Trước đó, hồi tháng 6, HLV Park Hang-seo cũng đã triệu tập Văn Hậu cho những trận đấu ở vòng loại thứ 2 khi cầu thủ này vừa hồi phục chấn thương. Trên đất UAE, ông Park đều sử dụng Văn Hậu theo những cách thức khác nhau. Trận gặp Indonesia, Văn Hậu vào sân trong hiệp 2 từ ghế dự bị. Sau đó, khi chạm trán với Malaysia, Văn Hậu đá trọn vẹn 90 phút. Trận cuối cùng gặp UAE, Văn Hậu đá chính từ đầu rồi rời sân ở phút thứ 60.
Trở về từ UAE cũng như sau khi hoàn thành cách ly y tế, Văn Hậu được CLB Hà Nội sắp xếp tập riêng. Đã có lo âu Văn Hậu không thể thi đấu được trong thời gian sắp đến cho dù được HLV Park Hang-seo gọi lên đội tuyển quốc gia. Thậm chí, có ý kiến nói rằng, ông Park không nên mạo hiểm với Văn Hậu.
Hơn ai hết, nhà cầm quân người Hàn Quốc là người quan tâm đặc biệt đến việc tái phát chấn thương của học trò mình. Chắc chắn khi trở lại làm việc sau khi hoàn tất việc cách ly, ông Park cùng bác sĩ Choi Ju-young sẽ trực tiếp kiểm tra và đánh giá mức độ chấn thương của Văn Hậu. Để rồi, sẽ có những phương án để thay thế nếu như Văn Hậu không thể kịp hồi phục cho 2 trận đấu vào đầu tháng 9 đến đây.
Câu chuyện của Hậu không còn cá biệt nữa. Bộ đôi Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh từng chơi rất hay trong màu áo U23 ở Thường Châu nhưng rồi đã mất hút sau đó thời gian cũng vì chấn thương. Một trong lý do đến từ sự nóng vội của CLB SLNA khi cần cầu thủ cho mục tiêu của mình để có thể vội vàng đưa họ ra sân trong khi chấn thương vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Tiền vệ tài hoa Nguyễn Tuấn Anh như một ví dụ khác. Chàng “Nhô” đã từng chơi như “lên đồng” mỗi khi ra sân “đôi chân pha-lê” của Tuấn Anh luôn khiến cho người hâm mộ thót tim sau mỗi pha va chạm.
Hồi tháng 4 năm nay, HLV Kiatisuk đã từng thổ lộ ông chưa vội sử dụng Tuấn Anh nếu cầu thủ này chưa ở vào trạng thái tốt nhất: “Tôi sẽ cho Tuấn Anh ra sân nếu em ấy hoàn toàn bình phục chấn thương và thể trạng tốt nhất. Tôi không vội vàng với Tuấn Anh vì muốn giữ gìn cho em ấy. Giữ gìn cho Tuấn Anh không chỉ cho HAGL, còn cho cả đội tuyển Việt Nam nữa”.
Những gì trung vệ Trần Đình Trọng trải qua vẫn còn đó, rất mới. Dù chưa phục hồi hoàn toàn chấn thương nhưng vẫn cố gắng thi đấu cho U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 Châu Á 2020. Sau đó, chấn thương của Đình Trọng phức tạp khiến anh phải nghỉ thi đấu hơn 1 năm.
Như vậy, việc sử dụng cầu thủ, đặc biệt nhân tài, trên tinh thần đảm bảo đôi chân không bị quá tải, không để lại di chứng chấn thương đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Trước hết là CLB chủ quản, không thể vì thành tích mà động viên quân mình ra sân “chiến đấu” khi đang có vấn đề thể lực, chấn thương.
Mặt khác, chính cầu thủ đó cũng phải biết trân trọng đôi chân của mình, khi họ phải hiểu hơn cả tình trạng của mình, và sự nghiệp còn rất dài. Hy vọng, HLV Park Hang-seo sẽ “chẩn đoán” được chấn thương của Văn Hậu, giúp anh lấy lại được phong độ.
Câu chuyện của Văn Hậu không còn là chuyện của riêng anh.