Thông qua đó, VPF sẽ thương thảo và mua bảo hiểm thân thể cho các cầu thủ tại V-League, Giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Ước tính, có khoảng 720 cầu thủ sẽ được mua bảo hiểm thân thể. Bên cạnh đó, bộ phận trọng tài và giám sát cũng được bảo vệ trong suốt quá trình công tác.
Mới đây, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có buổi làm việc sơ bộ với đại diện Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) về các gói bảo hiểm cho các cầu thủ tham dự mùa giải 2016. Theo đó, VPF cùng PVI sẽ xây dựng các gói bảo hiểm như: Tập luyện, thi đấu, vận động ngoài sân cỏ hay gói bảo hiểm từng giai đoạn, toàn giải hoặc từng trận đấu cụ thể... và trách nhiệm dân sự cụ thể với các bên liên quan. Bên cạnh những tư vấn của các đối tác bảo hiểm, VPF cũng sẽ tham khảo kinh nghiệm, cách thức mua bảo hiểm của các giải hàng đầu châu Á và thế giới để có thể đưa ra phương án tốt nhất.
Chấn thương trong thi đấu vẫn luôn rình rập các cầu thủ. |
Cùng với đó, VPF cũng đề xuất với PVI xây dựng một số gói bảo hiểm cho đội ngũ giám sát, trọng tài từ mùa giải tới. Dự kiến vấn đề này sẽ được VPF đưa vào chương trình hội thảo với các CLB chuyên nghiệp chuẩn bị mùa giải 2016, được tổ chức vào tháng 12 tới, tại Hà Nội.
“Mùa giải 2016 có 182 trận ở V-League, 90 trận ở giải hạng Nhất, 30 trận ở Cúp Quốc gia. VPF sẽ mua bảo hiểm cho cầu thủ trong toàn bộ 302 trận đấu này. Theo tính toán, sẽ có 720 cầu thủ được mua bảo hiểm.
Ông Cao Văn Chóng, Tổng Giám đốc VPF |
Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam có quy định các CLB phải mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ. Tuy nhiên vì các lý do khác nhau, việc này chưa được triển khai trong thực tế. Việc mua bảo hiểm cho cầu thủ thì từ trước đến nay chỉ là bảo hiểm thông thường chứ không mang tính đặc thù nghề nghiệp, trong khi các chấn thương trong thể thao thì chuyện xảy ra hàng giờ, hàng ngày và chi phí điều trị cũng vô chừng, nằm ngoài các khung quy định của bảo hiểm dân sự hiện hành. Chính vì thế, khi cầu thủ gặp chấn thương nặng, hầu như phải giải nghệ vì không đủ tiền để theo đuổi việc chữa trị. Trong khi các CLB cũng chỉ hỗ trợ một cách hạn chế với rất nhiều lý do. Vì thiếu kinh phí nên không ít cầu thủ không thể chữa dứt điểm chấn thương, đành phải cắn răng ra sân với những vết thương “chưa lành hẳn”, khiến phong độ của họ trở nên sa sút và tuổi nghề vì thế cũng giảm đi đáng kể. Nhiều trường hợp phải giải nghệ vì chấn thương khi còn rất trẻ, rồi sau đó đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Trong kế hoạch của VPF, công ty sẽ tiến hành mua bảo hiểm cho toàn bộ các cầu thủ trong quá trình tập luyện, thi đấu ở các giải chuyên nghiệp quốc gia. Sau 15 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, đến mùa bóng năm tới giới cầu thủ mới có thể “thở phào” khi họ đã bắt đầu được chăm sóc đúng nghĩa đôi chân, vốn là “cần câu cơm” của họ. Các cầu thủ có thể an tâm ra sân cống hiến chứ không còn phải e sợ những ca chấn thương có thể bị đứt đoạn sự nghiệp bóng đá hoặc những tranh cãi đền bù.
Việc mua bảo hiểm cho cầu thủ là một bước tiến đáng ngợi khen của VPF. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm cho các nữ cầu thủ ở Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia lại chưa được đề cập đến. Với mức lương thấp hơn so với các nam cầu thủ, chấn thương với các nữ cầu thủ cũng luôn thường trực và dễ dàng ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Vì thế, việc bảo hiểm cho nữ cầu thủ có tầm quan trọng không thua giới cầu thủ nam.
Hiện nay, giải bóng đá nữ vô địch quốc gia Việt Nam chỉ có 7 đội tham dự với 42 trận đấu và khoảng 200 cầu thủ, diễn ra trong thời gian ngắn chứ không kéo dài như V-League. Vì thế, VFF cũng nên quan tâm và có phương án làm thế nào để cùng với cầu thủ nam, nữ cầu thủ cũng được hưởng lợi từ bước tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Có như vậy, bóng đá nữ mới từng bước phát triển và không còn nhiều thiệt thòi như một sự mặc định từ trước đến nay.