Đây là hình ảnh quen thuộc của các vận động viên bơi lội khuyết tật quốc gia đang tập luyện nhằm mang về những thành tích cao cho thể thao nước nhà.
VĐV Võ Thanh Tùng. Ảnh: TTXVN |
Những ngày này, đội tuyển bơi lội khuyết tật quốc gia đang miệt mài tập
luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
để chuẩn bị tham dự ASEAN Para Games 9 và Giải vô địch bơi lội khuyết
tật quốc tế năm 2017 sắp tới.
Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Đỗ
Thanh Hải, Trịnh Thị Bích Như là những cái tên không xa lạ đối với bộ
môn bơi lội khuyết tật quốc gia cũng như trong đấu trường khu vực và
quốc tế. Hàng ngày, các vận động viên này vẫn ra sức tập luyện để có thể
gặt hái được những thành tích tốt nhất tại ASEAN Para Games 9.
Võ Thanh Tùng hiện là vận động viên bơi lội khuyết tật có thành tích cao nhất với Huy chương Bạc tại Thế vận hội Paralympic 2016, cùng với đó là Huy chương Vàng Giải vô địch bơi lội châu Âu mở rộng năm 2016. Năm 2015, Thanh Tùng là một trong những vận động viên có kỷ lục cao khi đoạt 5 Huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 8.
Thanh Tùng đến với con đường bơi lội chuyên nghiệp khi đoạt 3 Huy chương Vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005. Khi đó, Thanh Tùng còn là vận động viên của đội tuyển Cần Thơ nên không có điều kiện tập luyện để tham gia các giải khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, anh quyết định tham gia vào đội tuyển bơi lội khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện tập luyện, tham gia các giải quốc tế và dần giành được các thành tích cao nhằm khẳng định bản thân.
Vận động viên Võ Thanh Tùng chia sẻ: “Tôi luôn đặt ra cho bản thân những mục tiêu cụ thể để đạt được, mục tiêu sau cao hơn mục tiêu trước. Đến một lúc nào đó, bản thân cảm thấy đã cống hiến đủ, sẽ dừng lại sự nghiệp thi đấu để dành cơ hội cho thế hệ sau. Tôi mong muốn mở được một trung tâm huấn luyện bơi dành cho người khuyết tật để có thể truyền kinh nghiệm, niềm đam mê của mình đến những người có cùng hoàn cảnh”.
Vận động viên Nguyễn Thành Trung, 35 tuổi, bị teo cơ chân sau một trận sốt bại liệt từ lúc mới 3 tuổi. Trước khi đến với bơi lội chuyên nghiệp, Thành Trung là một vũ công hip hop. Anh là người đã thành lập Câu lạc bộ hip hop AAT với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Cần Thơ vào năm 2008.
Con đường bơi lội chuyên nghiệp đến với Thành Trung khi anh gặp kình ngư Võ Thanh Tùng, được Thanh Tùng rủ bơi chung và giới thiệu với huấn luyện viên Đổng Quốc Cường. Năm 2010, Thành Trung vào đội tuyển bơi lội khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2011, anh được vào đội tuyển quốc gia để thi đấu giải quốc tế. Năm 2016, Thành Trung thi giải quốc gia đoạt 4 Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc. Tại ASEAN Para Games 8, anh đoạt hai Huy chương Vàng, một Huy chương Đồng.
Chia sẻ về mục tiêu trong những giải tới, vận động viên Thành Trung cho biết: Anh phấn đấu giữ thành tích hai Huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 9 và giành hạng 6 tại vòng chung kết Giải vô địch bơi lội khuyết tật quốc tế năm 2017. Nguyễn Thành Trung dự định sau này sẽ trở về quê nhà, cùng gia đình mở một cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Anh cũng sẵn lòng hỗ trợ cho những người khuyết tật có niềm đam mê thể thao cũng như bơi lội.
VĐV Nguyễn Thành Trung với niềm vui chiến thắng tại ASEAN Para Games lần thứ 8. Ảnh: TTXVN |
Mới chỉ 26 tuổi nhưng vận động viên Đỗ Thanh Hải đã có hơn 6 năm thi đấu tại các giải bơi lội quốc tế dành cho người khuyết tật. Thành tích cao nhất mà Đỗ Thanh Hải giành được là hai Huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 8 và 5 Huy chương Vàng Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2016. Thanh Hải là một trong những vận động viên khuyết tật tập luyện chăm chỉ không mệt mỏi để đạt mục tiêu giành Huy chương Vàng ASEAN Para Games 9 và lọt vào hạng 4 vòng chung kết Giải vô địch bơi lội khuyết tật quốc tế năm 2017.
Trịnh Thị Bích Như là vận động viên nữ hiếm hoi trong đội tuyển bơi lội tham gia thi đấu các giải quốc tế. Quê ở vùng sông nước tỉnh Kiên Giang, Bích Như làm quen với bơi lội từ nhỏ, sau đó tham gia vào đội thể thao người khuyết tật tỉnh thi đấu giải quốc gia. Năm 2010, Bích Như tham gia vào Đội tuyển bơi lội Thành phố Hồ Chí Minh và được thi đấu các giải bơi lội quốc tế dành cho người khuyết tật.
Năm nào, Bích Như cũng đoạt Huy chương Vàng tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và ASEAN Para Games. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé phải di chuyển trên xe lăn đặt ra mục tiêu phải đoạt được ba Huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 9 và Huy chương Bạc Giải vô địch bơi lội khuyết tật quốc tế năm 2017.
Tuy đoạt được nhiều thành tích trong khu vực và thế giới nhưng hạn chế trong hỗ trợ tập luyện, cuộc sống đời thường khó khăn và nỗi lo sau giải nghệ luôn là những điều khiến vận động viên khuyết tật trăn trở. Dù thi đấu giải quốc gia, ASEAN Para Games hay giải quốc tế đều đoạt thành tích cao nhưng chế độ cho vận động viên khuyết tật vẫn ở mức dành cho vận động viên giải phong trào, mọi chế độ ăn uống, tập luyện và giải thưởng chỉ bằng một nửa so với vận động viên bình thường.
Điều mà các vận động viên khuyết tật mong muốn là có một cơ chế tiền lương, hỗ trợ tập luyện hàng tháng để có thể lo cho bản thân, gia đình; đồng thời được hỗ trợ công việc sau khi giải nghệ, nhất là công việc liên quan đến công tác huấn luyện chuyên môn cho những vận động viên nối tiếp cùng hoàn cảnh.
Ông Đổng Quốc Cường, huấn luyện viên Đội tuyển bơi lội khuyết tật quốc gia, chia sẻ: "Thanh Tùng, Bích Như, Thanh Hải, Thành Trung là những vận động viên vừa có năng khiếu, niềm đam mê và cả sự nỗ lực hết mình để đoạt được những thành tích cao. Tôi hy vọng các vận động viên sẽ có thành tích cao ở ASEAN Para Games 2017 tại Malaysia và Giải vô địch bơi lội khuyết tật quốc tế năm 2017 vào tháng 10/2017, xứng đáng với công sức tập luyện mà các vận động viên đã nỗ lực không ngừng trong thời gian qua".