Chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố thành lập, "siêu giải đấu" ESL sụp đổ khi 9/12 thành viên sáng lập giải, tuyên bố rút lui.
Chủ tịch CLB Juventus ông Andrea Agnelli là một trong những kiến trúc sư chính cho việc thành lập ESL thừa nhận giải đấu này chính thức phá sản: "Tôi vẫn bị thuyết phục về vẻ đẹp của dự án tổ chức giải ESL, đây sẽ là giải đấu tốt nhất trên thế giới. Nhưng rõ ràng mọi thứ đã diễn ra không như ý, đến giờ tôi cho rằng dự án đã không thể hoạt động".
Rời bỏ "giải đấu ly khai", các đội bóng đang phải đối mặt với sự trừng phạt nặng nề ở phía trước.
Theo người đứng đầu ESL Florentino Perez (cũng là chủ tịch của CLB Real Madrid), "liên minh ly khai" hiện chỉ còn 3 thành viên là Real Madrid, Barcelona và Juventus, xem ra ESL khó lòng tồn tại. Ông chủ của bầy Kền kền trắng cho biết đã giao nhóm cố vấn pháp lý soạn thảo văn bản yêu cầu các đội bóng đã rút lui khỏi liên minh bồi thường do vi phạm hợp đồng vừa ký cách đây ít ngày.
3 trong số 12 đội là Chelsea, Manchester City và Real Madrid vẫn tham dự Champions League, trong khi Arsenal và Manchester United tranh vé vào bán kết Europa League.
Do đã đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn đến 23 năm, bao gồm điều khoản không được rời ESL trong 3 mùa đầu tiên, nhóm 6 ông lớn ở Ngoại hạng Anh coi như đã mất trắng 8 triệu bảng/đội - khoản tiền được xác định là "mua cổ phần" để tham gia ESL - khi quyết định bỏ giải.
Chưa nhắc đến khả năng bị UEFA loại khỏi bán kết 2 cúp châu Âu là Champions League và Europa League, 6 đại gia ở Ngoại hạng Anh cũng sẽ điêu đứng khi chính Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu ngành thể thao nước này phải vào cuộc xác định việc tham dự ESL là "gây tổn hại cho bóng đá".
Theo yêu cầu của 14 đội bóng Ngoại hạng Anh, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) cũng như Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh đang xem xét mức phạt nặng dành cho nhóm nổi loạn, nhẹ thì trừ điểm và nặng thì có thể cấm thi đấu ở cúp châu Âu hoặc tước danh hiệu.
Trước đó, các CLB lớn ngày càng bất mãn với UEFA khi tổ chức này mở rộng quy mô các giải đấu, vắt kiệt sức cầu thủ trong bối cảnh cả làng bóng đá đều khó khăn vì đại dịch. Tỷ lệ chấn thương của các cầu thủ ở các CLB lớn cũng tăng vọt khi UEFA Nations League ra đời. Nói chung, UEFA làm đủ mọi cách để thu lợi nhiều hơn, nhưng các CLB lớn không hài lòng với miếng bánh được chia.
ESL là một cuộc "khởi nghĩa" mà nếu thành công, thế giới bóng đá hoàn toàn nằm trong tay những CLB lớn, với những tài phiệt chống lưng. Nếu thất bại, đó cũng là một đòn cảnh cáo của họ dành cho UEFA và FIFA.
Suốt 2 ngày qua, sức ép dồn dập đổ lên đầu ban lãnh đạo các CLB tham gia ESL. Trong khi đó, FIFA và UEFA tìm mọi cách để đe dọa họ.
Sự phản đối từ CĐV được các đội bóng lớn của Premier League lấy làm lý do chính cho quyết định rút lui khỏi ESL. Ban lãnh đạo MU thông báo: "Chúng tôi đã lắng nghe phản ứng từ người hâm mộ, Chính phủ Anh và các bên liên quan", Chelsea cùng Arsenal, Liverpool cũng ra thông báo tương tự.