Thành tích ấn tượng nhất của kình ngư người Mỹ Michael Phelps tại Olympic này là cùng các đồng đội đoạt HCV nội dung 4x100m hỗn hợp tiếp sức nam với thời gian 3 phút 27,95 giây, qua đó lập kỷ lục Olympic. Đây là tấm HCV thứ 5 của Phelps tại giải, nâng tổng số HCV cá nhân lên con số 13, qua đó xô đổ kỷ lục tồn tại đến hơn... 2.000 năm của nhà vô địch điền kinh Leonidas xứ Rhodes (từng giành 12 HCV cá nhân). Đây cũng là HCV Olympic thứ 23 của Phelps.
Michael Phelps đã trở lại ấn tượng tại Olympic 2016. Ảnh: Reuters |
Trước cuộc tranh tài ở Rio de Janeiro, nhiều người từng đánh giá thấp khả năng giành huy chương của Phelps tại giải. Đám đông thiếu thiện cảm và bộ phận nhỏ của giới tuyền thông thế giới thậm chí còn lấy thất bại của anh trước kình ngư người Singapore Joseph Schooling ở một giải bơi trong nước ra để đàm tiếu rằng, kình ngư người Mỹ sẽ thất bại thê thảm ở Olympic 2016.
Đáp trả điều đó, Phelps âm thầm lao vào tập luyện, tăng cường thể lực và quyết tâm đến Olympic 2016 với khát vọng chiến thắng giống như lần đầu anh xuất hiện ở Athens 2004. Chưa bao giờ, Phelps lại quyết tâm đến thế trước một kỳ Olympic. Bản thân Phelps cũng hiểu đây là kỳ Thế vận hội cuối cùng của mình, nếu không viết dài thêm câu chuyện lịch sử cho bơi lội Mỹ, anh chẳng còn cơ hội nào nữa. Những rắc rối trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường, tất cả anh đã bỏ lại sau lưng để giờ đây trả lại một Michael Phelps kiệt xuất cho bơi lội thế giới.
Phelps thắng HCV đầu tiên cùng đội bơi tiếp sức 4x100m tự do nam, nhưng có người nói anh đã ăn may. Nhưng khi Phelps giành tấm HCV cá nhân đầu tiên cho mình ở Rio (200m bơi bướm nam), rồi liên tiếp vươn đến những cột mốc kỷ lục xưa nay hiếm: đoạt 22 tấm HCV qua 4 kỳ Olympic liên tiếp.
Trước đó, Phelps đã khiến đường đua xanh dậy sóng với chiến thắng ở cự ly 200m cá nhân hỗn hợp nam, đồng thời cũng khắc ghi tấm HCV thứ 13 cá nhân trong bảng vàng lịch sử Olympic. Đấy cũng là tấm HCV thứ 22 của kình ngư người Mỹ. Cột mốc này thì dĩ nhiên phải rất lâu nữa mới có VĐV vượt qua nổi, hoặc nó sẽ tồn tại đến hơn... 2.000 năm khác, giống như kỷ lục mà huyền thoại Leonidas xứ Rhodes từng thiết lập nên trước Công nguyên.
Kình ngư người Mỹ thêm một lần nữa khẳng định rằng Olympic luôn có chỗ cho niềm tin và ý chí phấn đấu mãnh liệt của tất cả những tài năng. Phelps thừa nhận anh chịu nhiều áp lực khi đến Rio de Janeiro, nhưng thói quen chiến thắng là động lực thúc đẩy anh bước vào mỗi cuộc chiến. Hơn nữa, Phelps cần thể hiện rằng anh chưa hết thời.
Ở tuổi 31, Phelps vẫn thắng đến 5 tấm HCV ở đấu trường Olympic, để bổ sung cho bộ sưu tập thành tích “vô tiền khoáng hậu” của mình. Sau khi giành được tấm HCV thứ 23, “huyền thoại sống” của làng bơi lội xúc động gửi lời giã từ sự nghiệp với người hâm mộ: “Cám ơn các bạn đã dành sự ủng hộ cho tôi suốt sự nghiệp của mình. Đây là thời khắc rất khó khăn khi phải nói lời chia tay, nhưng với tôi, đó không phải là sự kết thúc và tình cảm của tôi vẫn hướng về tất cả các bạn”.
Trong quá khứ, Phelps từng tuyên bố giải nghệ sau Olympic 2012 nhưng anh đã quyết định trở lại đường đua xanh vào năm 2014. Đến Olympic 2016, Phelps chứng minh anh là kình ngư vĩ đại nhất trong lịch sử bơi lội thế giới khi có thêm 5 HCV, nâng tổng số lên thành 23 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ trên đấu trường Olympic. Đây cũng là thành tích lớn nhất mà một VĐV từng giành được trong lịch sử thể thao.
"Tôi sẽ đến Tokyo nhưng không phải để thi đấu. Tôi đã nói điều này nhiều lần nhưng lại không giữ lời hứa. Nhưng giờ sẽ không như vậy nữa. Tôi đã hứa giải nghệ sau Olympic 2012 ở London và bảo rằng sẽ không trở lại. Ngày mai, tôi sẽ ký vào giấy để chắc chắn chuyện đó không lặp lại".
Kình ngư Michael Phelps tuyên bố |